Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Gây nhiều tai nạn thương tâm, xe 'máy chém' vẫn nghênh ngang diễu phố

(VTC News) -

Dù gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, cướp đi mạng sống nhiều người nhưng các xe tự chế chở thép, tôn... vẫn lộng hành trên khắp các tuyến đường ở Hà Nội, TP.HCM.

Video: Gây nhiều tai nạn thương tâm, xe 'máy chém' vẫn nghênh ngang diễu phố Hà Nội

Ngày 12/1, tại Hà Nội, nam thanh niên 22 tuổi chết thương tâm sau khi va chạm với chiếc xe tự chế chở hơn 180 thanh sắt trên đường Trịnh Văn Bô (quận Nam Từ Liêm).

Hình ảnh chiếc xe tự chế kéo theo bó sắt trần trụi dài đến 12m, phần lớn thò ra khỏi thùng xe sau khi gây tai nạn chết người. 

Dù là thủ phạm gây nhiều vụ tai nạn thương tâm, cướp đi mạng sống của nhiều người nhưng xe "máy chém" vẫn ngang nhiên lộng hành trên các tuyến phố Hà Nội, khiến người tham gia giao thông khiếp sợ. 

Theo ghi nhận của PV VTC News trong ngày 15/1, tại đường Đê La Thành, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến... nhiều xe máy chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông vẫn nườm nượp qua lại. Điểm chung của những chiếc xe này là đều cũ nát, đèn vỡ, không xi nhan, khung xe tàn tạ...

Những thanh sắt dài hàng chục mét, đầu sắc nhọn không được be bịt ngang nhiên diễu phố, thậm chí cả trong những khung giờ cao điểm đông đúc.

Chiếc xe này xuất phát từ một cửa hàng bán sắt thép trên đường Khuất Duy Tiến, đi qua nhiều đoạn đường khác nhau trong sáng 15/1 nhưng không bị bất cứ lực lượng chức năng nào yêu cầu dừng lại kiểm tra, nhắc nhở hay xử phạt.

Nguy cơ va chạm, gây tai nạn cho người và phương tiện khác của xe "máy chém" cao nhưng nó vẫn nhan nhản trên đường phố.

Chứng kiến cảnh xe cà tàng chở các ống tôn, sắt thép luồn lách giữa dòng phương tiện, anh Phạm Văn Công (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc: "Công an cần xử lý nghiêm những phương tiện này. Không thể cứ vin vào cớ mưu sinh mà chạy ẩu, chở cồng kềnh, thiếu an toàn, coi thường tính mạng của mọi người. Tại sao cơ quan chức năng cứ làm ngơ, không nghiêm khắc như thế với loại xe "máy chém” khi chúng thật sự là mối đe dọa đối với tính mạng con người?"

Chị Nguyễn Khánh Linh (28 tuổi, ở Nguyễn Trãi, Hà Nội) thường đi làm qua tuyến đường Đê La Thành. Chị cho biết, hàng ngày trên tuyến đường này, nhiều xe ba gác, xích lô, xe máy chở sắt thép, tôn cồng kềnh lưu thông nhưng không thấy CSGT kiểm tra, xử lý. 

"Năm nào cũng xảy ra các vụ xe cũ nát chở tôn, sắt thép gây tai nạn chết người, vậy mà không hiểu tại sao lực lượng chức năng vẫn không có biện pháp xử lý triệt để", chị Linh thắc mắc.

Xe máy cải tiến cũ nát, không biển số, không yếm, không gương ngang nhiên hoạt động ở đoạn đường Khuất Duy Tiến - một trong những con đường đông đúc nhất Thủ đô.

Không chỉ vi phạm quy định chở hàng cồng kềnh, các tài xế còn nghênh ngang dàn hàng hai, hàng ba, đậu xe ngay trên lòng đường rất nguy hiểm.

 

Xe máy cũ, quá niên hạn, bị tháo bớt bộ phận vốn không đủ điều kiện tham gia giao thông, khi chở thêm hàng cồng kềnh nó càng trở thành mối ẩn hoạ, chực chờ cướp mạng sống người đi đường. 

Ngày 13/1, ghi nhận của PV VTC News tại một số tuyến đường tại quận 8, quận 10, quận 5 và huyện Bình Chánh (TP.HCM), dù đang là thời điểm cao điểm cho việc chở hàng hóa Tết nhưng hình ảnh những chiếc xe chở hàng quá khổ, chở sắt thép xuất hiện ít hơn so với những năm trước.

Khoảng 14h30, tại đầu cầu Chà Và nối đường Tùng Thiện Vương, một chiếc xe ba gác tự chế chở theo hàng chục ống dẫn nước hơn 2m chạy với tốc độ cao khiến người đi đường khiếp sợ. 

Một tài xế chở theo hàng chục thanh sắt đai hơn 2m, chạy bạt mạng trên đường Dương Bá Trạc (quận 8, TP.HCM) khiến nhiều người đi đường khiếp sợ.

Tại đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh (TP.HCM), người đàn ông vô tư vác theo những thanh nhựa dài di chuyển trên đường nhưng không thấy lực lượng chức năng xử lý.

Tại đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh (TP.HCM), xe ba gác tự chế vô tư chở vật liệu xây dựng đi nghênh ngang, bất chấp cả việc gây nguy hiểm cho người đi đường.

Khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, xe tự chế bị cấm lưu thông, người điều khiển xe tự chế bị phạt 800.000 - 1.000.000 đồng. Người điều khiển phương tiện xe tự chế tham gia giao thông còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 – 3 tháng.

Trường hợp xe tự chế gây tai nạn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác thì người điều khiển phương tiện còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt từ 3 - 10 năm tù.

Đối với hành vi chở hàng cồng kềnh, chở hàng vượt quá giới hạn quy định, căn cứ theo điểm k khoản 3 Điều 6 và khoản 2 điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Ngoài ra, tài xế có thể bị tước bằng lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

Viên Minh - Lương Ý

Tin mới