Theo đó, khoảng 3,8% dân số toàn cầu được tiêm phòng. Chính phủ nhiều nước đang kêu gọi người dân tích cực tiêm phòng, không tin vào các thông tin sai lệch... Tỷ lệ tiêm chủng tăng lên 7,4 triệu lượt tiêm mỗi ngày trong tuần này, so với 4,4 triệu lượt tiêm chủng hàng ngày vào thời điểm cuối tháng 2 vừa qua. Năm quốc gia hàng đầu chiếm tới 50% tổng số cá nhân được tiêm chủng.
Hơn 90 triệu người được tiêm vaccine ở Mỹ, khoảng 52,5 triệu ở Trung Quốc, khoảng 23 triệu ở Vương quốc Anh, sau đó là Ấn Độ và Braxin. Israel đứng đầu danh sách về tỷ lệ dân số được tiêm chủng (hơn 97%). Nước này hôm qua mở cửa trở lại nhà hàng, quán bar và quán cafe cho những người có "hộ chiếu xanh"- hộ chiếu chứng nhận những người đã được tiêm phòng hoặc miễn dịch sau khi mắc COVID-19 trong nỗ lực đưa cuộc sống trở lại bình thường thời hậu dịch bệnh.
Tiêm vaccine COVID-19 cho một em bé. (Ảnh: UN)
Thủ tướng Israel Netanyahu nhấn mạnh: “Với Hộ chiếu xanh, các cửa hàng đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần phải thận trọng, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Chúng ta đang dần trở lại cuộc sống bình thường”.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết khoảng 70% dân số toàn cầu nên được tiêm chủng để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên điều đáng lo ngại hiện nay đó là thiếu nguồn cung vaccine có thể làm chậm kế hoạch tiêm chủng của các quốc gia. Liên minh châu Âu (EU) được cảnh báo có thể mất tới 100 tỷ euro do chậm tiêm vaccine. Các nhà đầu tư lo ngại sự chậm trễ trong tiêm chủng có thể làm trì hoãn quá trình phục hồi nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh ở châu Âu. Do đó, tăng tốc thời gian và số lượng vaccine sản xuất là một trong những mục tiêu mà Tổ chức Y tế Thế giới hướng tới.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Chúng ta hiện đối mặt với một số rào cản nhằm tăng cường tốc độ và số lượng sản xuất vaccine, từ việc chặn xuất khẩu đến việc thiếu các nguồn nguyên liệu sản xuất. Tổ chức Y tế Thế giới đang cố gắng kết nối các công ty sản xuất có đủ năng lực với những công ty đang bị quá tải sản xuất, để tăng thời gian và khối lượng sản phẩm. Đây là cách tiếp cận ưu tiên và ngắn hạn nhất của Tổ chức Y tế Thế giới”.
Ngoài ra, người dân đang do dự đi tiêm vaccine do lo ngại các tác dụng phụ và một số các trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine gần đây. Tuy nhiên quan chức y tế nhiều nước đã ngay lập tức lên tiếng phủ nhận các trường hợp tử vong liên quan đến vaccine.
Cơ quan phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) hôm nay công bố kết luận của cơ quan chức năng nước này điều tra 8 trường hợp tử vong từng xuất hiện phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19. Theo đó cho thấy không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy vaccine liên quan nguyên nhân tử vong.
Học viện Lao và Bệnh đường hô hấp Hàn Quốc cho rằng, hiệu quả của vaccine đã được chứng minh qua nhiều thử nghiệm lâm sàng và chỉ có những tác dụng phụ nhỏ hiếm khi được báo cáo. Học viện kêu gọi người dân không nên tin vào những thông tin sai lệch không khoa học, đồng thời khuyến cáo những bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp nên tiêm chủng theo đúng lịch tiêm chủng của chính phủ Hàn Quốc.