Con số này được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia công bố chiều 9/2. Tất cả 71 vụ tai nạn giao thông trong ngày nghỉ thứ 2 của kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán Giáp Thìn đều xảy ra trên đường bộ.
Cũng theo thông báo trên, trong ngày 9/2, cảnh sát giao thông các địa phương đã phát hiện, xử lý 8.640 trường hợp vi phạm; phạt tiền 21 tỷ 292 triệu đồng. Trong đó, số trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý là 3.428, vi phạm tốc độ là 1.910, vi phạm về ma tuý là 17 trường hợp.
CSGT TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn dịp Tết Nguyên đán.(Ảnh: Lương Ý).
Lực lượng chức năng tạm giữ 154 ô tô, 3.983 xe mô tô và 16 phương tiện khác; tước 2.044 giấy phép lái xe các loại.
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong ngày 9/2, giao thông tại Hà Nội và TP.HCM thông thoáng, các phương tiện di chuyển thuận lợi cả nội thành và các cửa ngõ.
Theo tin từ Công an TP Hà Nội, từ chiều 30 tháng Chạp đến sáng mùng 1 Tết, đơn vị sẽ huy động 100% cán bộ, chiến sỹ bảo vệ an ninh trật tự và an toàn giao thông phục vụ người dân đi lại, vui xuân.
Các lực gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát 113, tổ công tác 141 (hoạt động công khai kết hợp hóa trang)... sẽ bám sát địa bàn trọng điểm, khu vui chơi giải trí, du lịch, cơ sở thờ tự, nơi tổ chức bắn pháo hoa.
Mục đích là phòng ngừa tội phạm đường phố, xử lý những kẻ trộm cắp, móc túi, cướp giật, kịp thời ngăn chặn hành vi đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng và phân luồng cho giao thông thông suốt.
Công an các huyện, thị xã cũng trực tiếp phối hợp với công an xã, thị trấn trọng điểm thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là vi phạm liên quan đến pháo nổ.
Trước đó, qua hơn 50 ngày cao điểm, Công an Hà Nội đấu tranh, bắt giữ 133 vụ việc cùng 170 đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng pháo.
Cơ quan chức năng thu giữ khoảng 2 tấn pháo nổ trái phép, khởi tố 46 vụ án, 57 bị can, chuyển truy tố 41 vụ, 52 bị can; đưa ra xét xử 37 vụ, 46 bị cáo.