Trong con xóm nhỏ ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng cuối những năm 2000, hễ thấy gã thanh niên tên Phương bước ra khỏi cửa là hàng xóm quay đầu tránh né. Không ai muốn nói chuyện hay liên quan tới cậu - một đứa trẻ chưa học hết lớp 12 đã nghiện rượu, thuốc lá, ma túy, mở miệng là văng tục chửi bậy.
"Đó là tôi của những năm trước đây. Lúc đó, tôi không nghĩ đó là sự coi thường của mọi người mà chỉ nghĩ, càng hung dữ sẽ có nhiều sự tự tin, tôn trọng", Lê Thân Như Phương bắt đầu câu chuyện kể về cuộc đời mình.
Lê Thân Như Phương nghiện rượu, thuốc lá từ rất sớm, rồi trượt dài trên con đường bạo lực, ma túy. Làm lại cuộc đời, cậu thường xuyên chia sẻ câu chuyện của mình để truyền cảm hứng cho những người nghiện trở về làm người tử tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Đằng sau đứa trẻ hư hỏng là một gia đình không trọn vẹn. Phương thiếu tình yêu của cha từ bé. Ông thường xuyên vắng nhà và chỉ về khi đã say xỉn, đánh mắng vợ con. "Tôi vẫn nhớ như in một lần đến nhà bạn chơi, thấy nó và bố nói cười như hai người bạn thân, tôi chợt nhận ra mình chưa từng có một người cha như vậy trong đời. Nhìn họ mà tôi khóc trong lòng", Phương kể.
Vì hận cha và để che giấu sự tự ti, thiếu thốn của bản thân, Phương càng lớn càng bất cần, hư hỏng. Cậu uống rượu từ năm lớp 7. Lớn hơn chút thì tụ tập dùng thuốc lắc. Tuổi trẻ bồng bột và ngang tàng, lại được đám bạn xấu cổ vũ bằng những câu như 'Mày làm đi, tao chịu cho', 'Có chuyện gì đã có anh em lo'... chàng thanh niên mới lớn ngày càng trượt dài trong tội lỗi.
"Nói thế nhưng khi đánh nhau phải vào viện hay bị công an bắt, bạn bè mỗi người chạy một đường, chỉ có mẹ già phải ngược xuôi lo liệu", Phương nói.
Bà Như Lan, mẹ Phương cả đời cơ cực vì chồng con. Bà nỗ lực gây dựng được một xưởng may nhỏ tầm chục công nhân, song làm được bao nhiêu, cậu con phá đến đó. Khuyên can con không được, bao lần người mẹ phải khóc lóc, van xin.
Chưa kịp thi tốt nghiệp lớp 12, cậu tham gia vào một cuộc ẩu đả, bị chém vào đầu và lưng. Thoát thân được về đến nhà, cậu ngất trước cửa trong tiếng thét thất thanh của mẹ.
Lần Phương bị chém, bác sĩ chỉ định phải tĩnh dưỡng 3-6 tháng. Nhưng chỉ được chục ngày, đầu đang quấn băng, Phương vẫn đi khỏi nhà để tụ tập ăn nhậu với chúng bạn. Bà Lan chạy theo, quỳ xuống cầu xin: "Mẹ khổ lắm rồi con ơi, ở nhà cho mẹ đỡ lo". Đứa con vùng vằng hất mẹ ra.
"Lúc đó, tôi như con thú mất nhân tính, còn đập đầu vào tường để mẹ sợ không cản đường", Phương kể.
Phương những năm 18 tuổi đã nổi danh là một thành phần bất hảo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sau thời điểm đó, Phương tiếp tục sa chân vào ma túy. Những đêm con chưa về là những đêm người mẹ lang thang đầu ngõ. Nhiều hôm cậu trở về lúc 2h, đèn vẫn sáng, mẹ vẫn ngồi chờ. Đã có lúc đứa con thấy có lỗi với mẹ và cũng muốn quay về làm người tốt nhưng không biết làm cách nào. Áy náy phút trước, phút sau cậu lại lạc trôi trong cám dỗ.
Cuối năm 2009, Phương bị khởi tố vì sử dụng ma túy và cố ý gây thương tích. Đứng trước vành móng ngựa, hai bên là đồng bọn phải chịu án tù, phía sau là người mẹ khắc khổ, trước mặt là bản án chuẩn bị giáng xuống cho mình, khoảnh khắc ấy gã thanh niên mới lớn thực sự sợ hãi.
May mắn, phiên tòa năm đó Phương bị án treo. Bản án như một cơ hội cho chàng trai, nếu không nắm bắt sẽ có kết cục như chúng bạn, hoặc vào tù, hoặc ra nghĩa địa. Trong thâm tâm Phương lúc này cũng đã rệu rã với quá khứ làm điều xấu. "Đi đâu cũng sợ, làm gì cũng lo lắng, thấy công an là thót tim. Những lúc không có rượu, có thuốc, tôi đâu có ngủ được", cậu bộc bạch.
Khao khát được bắt đầu lại, Phương đồng ý theo mẹ đến một trung tâm cai nghiện. Tại đây, cậu được tiếp xúc với những người trước đây đều nghiện ma túy lâu năm nhưng hôm nay tất cả họ đều thay đổi, ăn nói đàng hoàng, có gia đình hạnh phúc, công việc ổn định và làm nhiều việc có ích cho xã hội.
Anh Hoàng Vũ, 36 tuổi - một trong những người giúp Phương cai nghiện - kể, lần đầu tiên gặp Phương là trong một kỳ trại dành cho lứa tuổi thanh niên. Cậu mặc chiếc áo sơ mi trắng và quần sẫm màu. "Bình thường cậu ấy hung hăng, bất cần. Nhưng hôm đến trông cậu hiền như cục đất. Tôi biết đấy là lúc Phương đang tìm cách để thay đổi cuộc đời", anh Vũ hồi tưởng.
Những ngày đầu tại trung tâm, cơn nghiện thuốc lá, thèm rượu, ma túy hành hạ Phương. Nhiều hôm cậu đờ đẫn, chân tay không nhấc nổi. Anh Vũ cùng các anh em đấm lưng, massage, đút cho Phương ăn. Ngày khỏe hơn, họ kéo Phương đi chơi thể thao. Sau 2 tuần chàng trai bỏ được thuốc lá, không chửi tục, chửi thề. Khoảng một tháng, Phương không còn những cơn thèm ma túy và rượu nữa.
Nhưng đây chỉ là sự thay đổi bên ngoài. Để thay đổi một người triệt để cần phải từ bên trong, nghĩa là thay đổi từ trong suy nghĩ và hành vi. Anh Vũ dẫn theo Phương tham gia các hoạt động giúp đỡ người nghèo, trẻ em khuyết tật, tình nguyện ở các vùng sâu xa. Từ một người không nói được lời nào ngon ngọt thì nay Phương phải tập từng lời nói cảm ơn và quan tâm đến người xung quanh – việc tưởng đơn giản với người bình thường nhưng cực kỳ khó khăn với một người từng sống đời du côn như Phương. Đôi tay cậu vốn chỉ biết đánh đấm, nay tập chơi đàn guitar và học hát.
Phương (trái) đã giúp đỡ nhiều người bạn khác trở thành người tốt, trong đó có Bảo. Giờ đây Bảo cũng tiếp nối những việc tốt của Phương. Ảnh: Nguyễn Bảo.
Nửa năm sau, Phương vào một trường nghề học ngành quản trị khách sạn. Những ngày đầu chàng trai 21 tuổi xấu hổ trước bạn bè vì không biết gõ bàn phím, không biết một chữ tiếng Anh. Nhiều lần chán nản, muốn quay lại con người cũ, những lúc như vậy luôn có những người anh em khích lệ Phương kịp thời. "Tôi luôn giữ trong tâm trí mình nếu họ làm được thì tôi cũng sẽ làm được", cậu nói.
Để nói được tiếng Anh trong ngành khách sạn, Phương vừa học trên trường, Internet ở nhà và chịu khó ra biển bắt chuyện với khách du lịch. Cậu còn nhớ lần đầu tiên ngồi cả buổi mà không đủ can đảm tiến lên bắt chuyện. Mãi tới một lần chỉ đường cho khách, được họ rối rít cảm ơn thì Phương mới bước qua được rào cản. Từ đó, cậu thường ra biển 3 buổi mỗi tuần để giao tiếp với người nước ngoài. Nói sai ở đâu được sửa ở đấy, trình độ giao tiếp tiếng Anh của Phương tăng lên nhanh chóng.
Cuối năm 2011, khi đã có một vốn tiếng Anh kha khá, Phương bắt đầu kiếm việc ở một số khách sạn nhỏ. Sau khi tốt nghiệp năm 2012, cậu được nhận vào làm ở vị trí tiền sảnh ở một khách sạn 4 sao khá lớn thời bấy giờ.
Chưa đầy một năm sau, chàng trai quyết định nghỉ việc ở khách sạn, chuyển sang làm nhân viên dự án cho một tổ chức phi chính phủ của Mỹ. Trong đó cậu tham gia nuôi nấng các trẻ em mồ côi, trẻ em đường phố.
"Mỗi khi nhìn các cháu không cha không mẹ, tôi lại thấy hình ảnh của mình trước đây. Nếu không người nào tốt dạy các cháu những điều đúng và trân trọng cuộc sống thì sớm hay muộn sẽ có những điều xấu đến với các cháu", Phương nói.
Chính từ các hoạt động này đã cho Như Phương cơ duyên quen biết cô gái người Mỹ Elissa - người vì yêu mảnh đất Đà Nẵng đã rời quê hương đến đây và làm giáo viên trong một trường quốc tế. Phương và Elissa từ đó đồng hành trong nhiều hoạt động giúp đỡ trẻ em và người nghèo ở Đà Nẵng. Riêng Phương, còn giúp được hàng chục người bạn cũ thoát khỏi con đường nghiện ngập.
Nguyễn Đào Bảo, 30 tuổi, một trong nhiều người được Phương giúp hoàn lương chia sẻ, bản thân Bảo nghiện gần chục năm, kinh tế gia đình kiệt quệ, mọi người xa lánh. Ba mẹ và anh chị em không chịu nỗi cũng quay lưng.
Năm 2017, Bảo đang lang thang ngoài đường thì vô tình gặp được Phương và được Phương đem về quán pizza của mình cho ăn ở. Nhưng với bản tính của một người nghiện, Bảo lại trộm đồ đạc và lừa tiền của ân nhân để thoả mãn cơn nghiện của mình.
"Thật bất ngờ, tôi đang đối xử với Phương bằng bản chất của một con nghiện, lừa lọc, dối trá, trộm cắp nhưng Phương lại quan tâm, cư xử với tôi như một người anh em thân thiết. Cậu ấy vẫn hỏi thăm tận tình, chu cấp tiền ăn uống và dành thời gian chia sẻ về sự thay đổi của cậu ấy cho tôi", Bảo kể.
Chính cách đối xử này đã truyền động lực cho Bảo thêm tin vào con đường Phương đã đi. Sau đó, Bảo được ra Hà Nội cai nghiện bằng tiền của Phương. Đến giờ sau hơn 2 năm, Bảo đã hoàn toàn rũ bỏ được con đường cũ. Hiện anh đang làm tài xế cho một trường quốc tế, bên cạnh giúp đỡ cho các anh em có quá khứ nghiện ma tuý. Bảo cũng đã có gia đình mới êm ấm với vợ và con gái.
Như Phương và vợ Elissa đã quen và yêu nhau khi tham gia các hoạt động giúp đỡ cộng đồng. Hiện Elissa dạy ở một trường quốc tế, còn Phương mở một công ty nội ngoại thất có hơn chục nhân viên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Về phần Lê Thân Như Phương, điều đầu tiên anh cầu nguyện sau khi thay đổi là sẽ không làm mẹ khóc thêm một lần nào nữa. Song trong đám cưới của mình năm 2015, người con này lại khiến mẹ không cầm nổi nước mắt khi nói lời cảm ơn và xin lỗi mẹ.
Người mẹ vẫn tiếp tục rơi nước mắt nhiều lần khác khi thấy con phát biểu bằng tiếng Anh giữa hội trường đông người, khi con đi phiên dịch cho các tổ chức phi chính phủ, hay lúc con thành công trong sự nghiệp và có một hôn nhân hạnh phúc.
Nhưng Phương biết những giọt nước mắt bây giờ của mẹ là từ hạnh phúc và niềm tự hào vào đứa con bà yêu thương...