Bloomberg News đưa tin, theo dự thảo văn kiện hội nghị thượng đỉnh G7, lãnh đạo các nước thành viên sẽ kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mở cuộc điều tra mới, làm rõ nguồn gốc virus SARS-CoV-2.
Cũng theo nội dung dự thảo tuyên bố chung, lãnh đạo các nước G7 đang thực hiện các nỗ lực nhằm sớm chấm dứt đại dịch COVID-19. Trong đó, G7 cam kết cung cấp thêm 1 tỷ liều vaccine COVID-19 trong năm tới để ngăn chặn dịch bệnh.
Các tranh luận về nguồn gốc COVID-19 lại nổi lên trong thời gian gần đây. (Ảnh: Reuters)
Kể từ khi đợt bùng phát dịch COVID-19 diễn ra tại thành phố Vũ Hán vào tháng 12/2019, các nhà khoa học đã cố gắng tìm lời giải cho câu hỏi về nguồn gốc của virus. Một nhóm nghiên cứu do WHO đứng đầu đã dành 4 tuần ở Vũ Hán để điều tra nguồn gốc dịch bệnh.
Hồi tháng 3, báo cáo điều tra của WHO cho biết, virus có thể đã được truyền từ dơi sang người thông qua một loài động vật trung gian. “Giả thuyết virus rò rỉ ra ngoài thông qua một sự cố trong phòng thí nghiệm là rất khó xảy ra”, báo cáo của WHO cho hay. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia và một số nhà khoa học không đồng tình với điều này.
Nguồn gốc của COVID-19 đã trở thành một trong những câu hỏi gây tranh cãi nhất của đại dịch. Lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm đã đạt được sức hút trong thời gian gần đây sau khi nhóm các nhà khoa học nổi tiếng ký một lá thư cho rằng, nguồn gốc gây ra đại dịch COVID-19 cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Hôm 26/5, Tổng thống Joe Biden chỉ thị các cơ quan tình báo Mỹ tăng cường nỗ lực điều tra nguồn gốc COVID-19, xác định rõ xem là liệu virus SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay truyền từ động vật sang người.
Trước đó, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin tình báo của Mỹ cho biết, 3 chuyên gia Viện Virus học Vũ Hán đã bị ốm và phải nhập viện điều trị. Điều này dấy lên các hoài nghi về việc các chuyên gia này cũng có thể bị mắc COVID-19. Tuy nhiên, Trung Quốc bác thông tin này, tố Mỹ thổi phồng thuyết âm mưu về nguồn gốc dịch bệnh.