Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros - (Mã chứng khoán ROS) mới đây đã công bố thông tin về việc nhận được 31 quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng.
Đây là lần đầu tiên công ty công bố thông tin về việc bị cưỡng chế thuế từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc bị cưỡng chế nêu trên là do công ty này đã có hành vi nợ tiền thuế, và tiền chậm nộp thuế quá 90 ngày kể từ khi hết thời hạn nộp theo quy định.
FLC Faros phải nhận 31 quyết định cưỡng chế thuế tương ứng số tiền 116,5 tỷ đồng
Cơ quan quản lý thuế đã cưỡng chế trích tiền từ các tài khoản mà Faros mở tại các ngân hàng thương mại trong nước với số tiền tương ứng 116,5 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo công ty, toàn bộ nghĩa vụ thuế theo các quyết định cưỡng chế này đã được Faros thực hiện nộp vào ngân sách Nhà nước sau thời điểm nhận được các quyết định cưỡng chế.
Trước Faros, cuối tháng 3 vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cũng đã công bố 66 quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng từ năm 2015 đến nay.
Tổng số tiền FLC bị cưỡng chế trong giai đoạn này cũng đạt hơn 160 tỷ đồng với nguyên nhân bị thực hiện cưỡng chế tương tự như Faros.
Cả FLC và Faros đều là những doanh nghiệp gắn với tên tuổi của đại gia Trịnh Văn Quyết, người giàu thứ 7 trên sàn chứng khoán Việt hiện nay với khối tài sản trên giấy tờ ước tính trên 12.600 tỷ đồng.
Ông Quyết vừa là cổ đông lớn nhất vừa nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT tại cả hai công ty nói trên.
Trong đó, tại FLC, ông Quyết đang nắm giữ tổng cộng hơn 150 triệu cổ phiếu, tương đương 21,19% vốn doanh nghiệp. Trong khi đó, số cổ phiếu ông nắm giữ tại Faros cũng lên tới 382 triệu đơn vị, tương đương 67,34% vốn cổ phần.
Ngoài việc là Chủ tịch HĐQT tại FLC và Faros, ông Quyết mới đây còn được HĐQT hãng hàng không Bamboo Airways thống nhất bổ nhiệm vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của hãng.
Về Faros, công ty xây dựng này năm vừa qua đã ghi nhận tổng cộng 3.463 tỷ đồng doanh thu hoạt động và 185 tỷ đồng lãi ròng sau thuế. Tuy nhiên, so với những kết quả kinh doanh công ty đã được được vào năm 2017 trước đó, doanh thu của Faros đã giảm 22%. Thậm chí, khoản lợi nhuận ròng sau thuế của công ty này đã giảm tới 78% trong năm vừa qua.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ROS vẫn đang trong xu hướng giảm mạnh trong thời gian dài. Từng là cổ phiếu có thị giá thuộc top đầu của thị trường (214.000 đồng/cổ phiếu giá chưa điều chỉnh), hiện ROS chỉ còn được giao dịch với vùng giá trên 30.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa của doanh nghiệp này cũng chỉ còn ở mức chưa tới 18.000 tỷ đồng, trong khi 1 năm trước đó Faros vẫn nằm trong top 10 công ty có vốn hóa cao nhất trên sàn HOSE.