Rạng sáng 31/10 (giờ Hà Nội), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25% điểm, từ biên độ 1,75-2% xuống còn 1,5-1,75%. Đây là lần thứ 3 trong năm cơ quan này giảm lãi suất.
FED quyết định giảm lãi suất lần thứ 3 trong năm. (Ảnh: Encirclephotos)
Chủ tịch FED - Jerome Powell cho biết sẽ giữ lãi suất ổn định trong tương lai gần. "Mức hiện tại có thể sẽ vẫn phù hợp" khi FED còn đánh giá kinh tế tăng trưởng chậm lại, thị trường lao động vững mạnh và lạm phát quanh 2%. Nếu tình hình này thay đổi, FED sẽ có biện pháp tương ứng", ông nói.
Động thái mới của FED về lãi suất khiến nhiều người có câu hỏi có tác động đến kinh tế Việt Nam? Giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu, FED giảm lãi suất là nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung kéo dài khiến Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, chính quyền Mỹ công bố các số liệu cho thấy nền kinh tế nước này vẫn tăng trưởng tốt vượt mức dự báo của các chuyên gia. Cụ thể, GDP Mỹ tăng 1,9% trong quý III. Tốc độ này cao hơn dự báo, nhưng vẫn kém mục tiêu của chính quyền Trump là 3% mỗi năm.
"Khi FED hạ lãi suất, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang có động thái hạ lãi suất của họ để giảm giá trị tiền nội tệ, hỗ trợ cho xuất khẩu", ông Hiếu nhận định. Vị chuyên gia này phân tích: Khi lãi suất hạ sẽ giảm giá trị nội tệ dẫn đến tỷ giá so với đồng USD tăng lên từ đó có lợi cho việc xuất khẩu. Nhiều nước sẽ theo chân Mỹ giảm lãi suất để điều hoà xuất khẩu một cách hợp lý.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu. (Ảnh: Bizlive)
Đánh giá về việc FED hạ lãi suất tác động thế nào đến Việt Nam, ông Hiếu cho biết: "Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài tác động đó, chúng ta cũng đang đứng trước áp lực giảm lãi suất để giữ tỷ giá của mình không xuống thấp quá so với đồng USD. Từ đầu năm đến nay tỷ giá VNĐ giảm và điều đó không có lợi cho việc xuất khẩu. Nếu Việt Nam muốn hỗ trợ cho xuất khẩu thì phải đẩy tỷ giá lên, từ đó cần hạ lãi suất xuống".
Ông Hiếu giải thích thêm, việc điều chỉnh lãi suất của FED ở đây là hạ lãi suất qua đêm, từ đó nó sẽ tác động đến mọi lãi suất khác từ vay mua nhà đến ô tô, doanh nghiệp…
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, tại Việt Nam điều này không đơn giản như vậy. Thị trường tài chính Việt Nam được chia làm hai: Thứ nhất là thị trường người dân gửi tiền vào ngân hàng và ngân hàng huy động tiền rồi cho vay ra ngoài, thị trường thứ 2 là các ngân hàng vay lẫn nhau. Trong thị trường thứ 2 cũng có các loại lãi suất qua đêm, điều hành… Ngân hàng nhà nước sẽ dùng lãi suất điều hành để điều chỉnh trong thị trường thứ 2 này. Từ đó thị trường này sẽ tác động đến thị trường thứ nhất nhưng sẽ có khoảng cách và độ trễ nhất định. Cũng có lúc hai thị trường này đi ngược chiều nhau.
Với những đặc thù này nên theo ông Hiếu nhìn nhận, Việt Nam có thể sẽ chưa giảm lãi suất ngay.
Cùng nhìn nhận về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng FED giảm lãi suất để thu hút đầu tư, nếu lãi suất thấp người ta sẽ hạn chế gửi tiền ngân hàng và đem đi đầu tư nhiều hơn vì lúc này lợi nhuận từ việc đầu tư lớn hơn lợi nhuận từ ngân hàng, từ đó làm cho nền kinh tế năng động và tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Đối với Việt Nam, đồng USD chiếm tỷ trọng quan trọng vì vậy cần xem xét và cân nhắc. Gần đây, Trung Quốc cũng hạ giá đồng NDT để hạ giá thành sản phẩm của họ rẻ hơn.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhận định, việc FED hạ lãi suất cho vay sẽ chưa ảnh hưởng ngay tới nền kinh tế Việt Nam và cần phải có thời gian quan sát thêm.