Yahoo Finance mỗi năm đều trao “vương miện” cho công ty tốt nhất trong năm, theo đó Microsoft đứng đầu năm 2021 với giá trị vốn hóa thị trường 2 nghìn tỷ USD và giá cổ phiếu tăng tới 53% tính đến tháng 12.
Facebook được bình chọn là công ty tệ nhất năm 2021.
Tuy nhiên, năm nay, Yahoo Finance đã thực hiện thêm một thử thách khác, đó là "công ty tồi tệ nhất năm" và Facebook nhanh chóng “dẫn đầu”. Cuộc khảo sát được thực hiện với hơn 1.000 người, Facebook nhận được hơn 50% phiếu bầu cho vị trí này.
Những người được hỏi không hài lòng với các chính sách và cách thức hoạt động của công ty. Facebook liên quan đến một số vụ bê bối lớn như tẩy chay quảng cáo năm 2020 diễn ra vào tháng 7. Trong tổng số 100 nhà quảng cáo lớn tham gia cuộc tẩy chay, có ít nhất 9 công ty chính thức tuyên bố thu hồi quảng cáo trả phí bằng cách cắt giảm khoản tài trợ từ 26,2 triệu USD xuống còn 507.500 USD.
Trong năm 2021, cựu nhân viên Facebook, Frances Haugen, tiết lộ nhiều tài liệu hoạt động nội bộ của công ty, cho biết Facebook đã bỏ qua những chính sách gây hại cho công chúng để đặt lợi ích của mình lên hàng đầu.
Facebook còn bị cuốn vào những lo ngại của công chúng về quyền riêng tư của người dùng. Sự kiện đáng chú ý đó là cuộc chiến giữa Facebook và Apple. Mạng xã hội phổ biến nhất thế giới có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Apple cho phép người dùng kiểm soát việc thu thập dữ liệu trên các ứng dụng. Mark Zuckerberg nói rằng sự tăng trưởng mờ nhạt của Facebook trong quý cuối cùng của năm một phần là do vấn đề này.
Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook, cũng không né tránh việc kêu gọi Facebook phải thay đổi lại cách hoạt động của mình. Trong một bài phát biểu vào đầu năm, ông đã nói rằng mô hình kinh doanh của Facebook khả năng dẫn đến sự phân cực và bạo lực.
Những bất bình đối với Facebook còn đến từ các các mối quan tâm về các vấn đề kiểm duyệt, tác động của Instagram đối với sức khỏe tâm thần và luật chống độc quyền. Mặc dù kết quả khảo sát không có lợi cho Facebook, nhưng 30% người tham gia phản hồi tích cực về việc Facebook có thể "tự chuộc lỗi".
Facebook, giữa những vụ bê bối, đã tự đổi thương hiệu thành "Meta", đánh dấu sự khởi đầu của một hướng đi mới cho công ty, phù hợp hơn với mục tiêu xây dựng vũ trụ ảo "Metaverse".
Theo một số người tham gia khảo sát, việc đổi thương hiệu của Facebook được coi là một nỗ lực nhằm đánh lạc hướng sự giám sát và điều đó đã phát huy tác dụng, thậm chí họ còn hào hứng cho rằng hướng đi mới này có thể đem lại một sự khác biệt với mô hình truyền thông xã hội cũ.
Xếp ở vị trí thứ hai sau Facebook trong cuộc khảo sát này là Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc này cũng vấp phải nhiều sự bất bình từ người tiêu dùng.