Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy: Người phát ngôn Chính phủ lên tiếng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã cho biết quan điểm xung quanh việc dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô trên phạm vi toàn q

(VTC News) – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã cho biết quan điểm xung quanh đề xuất dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô trên phạm vi toàn quốc.


Hiện nay, dư luận phản ánh việc triển khai thu phí đường bộ đối với xe máy gặp khó khăn, thiếu khả thi. Trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ dừng thu phí xe máy.

Ngược lại, một số tỉnh, thành phố lại cho biết sẽ không dừng việc thu phí do ngân sách khó khăn. Một số ý kiến khác đặt vấn đề về việc xử lý số tiền đã thu nếu dừng thu phí xe máy.


Kiến nghị Chính phủ dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy được dư luận đặc biệt quan tâm



Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng việc thu phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện giao thông cơ giới hiện nay được thực hiện theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ quy định Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: xe ô tô và xe mô tô và Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện.



“Trong thời gian qua, việc thực hiện thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Nhiều địa phương chưa triển khai thực hiện được; việc tổ chức thu gặp nhiều khó khăn; một số địa phương đã triển khai thu nhưng hiệu quả thấp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nêu.

Trước tình hình trên, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị không thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ ngày 1/1/2016.



“Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2015”, người phát ngôn Chính phủ nói.


Đường ống dẫn nước Sông Đà vỡ lần thứ 12 

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh việc vỡ đường ống dẫn nước sông Đà lần thứ 12 đã gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của hơn 70.000 người dân.



Trước đó, Chính phủ đã có yêu cầu thanh, kiểm tra dự án đường ống nước sông Đà, Tổng công ty Vinaconex đã triển khai dự án xây dựng tuyến ống số 2 nhưng tiến độ triển khai dự án chậm so với kế hoạch.



“Xin cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục có chỉ đạo như thế nào để chấn chỉnh tình trạng này, đảm bảo cuộc sống cho người dân?”, các cơ quan truyền thông đặt vấn đề.



Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà tính đến ngày 24/7/2015 đã xảy ra 12 lần, gây ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận người dân Thủ đô. Liên

quan đến vụ việc này, cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam một số cá nhân liên quan, để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.



Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết trước mắt để khắc phục tình trạng vỡ đường ống, Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (VIWASUPCO) đã thành lập Tổ sẵn sàng khắc phục nhanh khi có sự cố.

Đồng thời, để góp phần cấp nước ổn định cho người dân Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ đã giao Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) chủ động triển khai tuyến ống cấp nước giai đoạn 2 bảo đảm chất lượng và hiệu quả.



Hiện nay, các thủ tục để bảo đảm đúng quy trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đang được khẩn trương hoàn thiện. Dự kiến tháng 10/2015 sẽ khởi công và hoàn thành vào tháng 9/2016.


Phạm Thịnh


Nguồn:

Tin mới