Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dựng rạp đám cưới giữa đường: Cảnh báo những cái chết tập thể thảm khốc

Nhiều gia đình vẫn ngang nhiên "cướp" lòng đường làm "trung tâm tiệc cưới" gây cản trở giao thông, hỗn loạn phố phường.

(VTC News) - Bất chấp tai nạn thảm khốc cho khách mời và đôi bên hai họ, nhiều gia đình vẫn ngang nhiên "cướp" lòng đường làm "trung tâm tiệc cưới" gây cản trở giao thông, hỗn loạn phố phường.


Sự việc cô gái 16 tuổi tử vong dưới bánh ô tô khi chiếc xe này cố gắng tránh một đám đông đang dự tiệc trong rạp cưới dựng giữa đường tại TP.HCM đã khiến dư luận phẫn nộ về tình trạng "cướp đường" đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương.


Hiện trường vụ tai nạn ở TP.HCM tối 21/11 

Ăn uống, hát hò tưng bừng giữa đường


Không khó để bắt gặp những đám cưới được dựng rạp trên những con đường giữa thủ đô Hà Nội…mặc cho bên ngoài các phương tiện giao thông cố gắng len lỏi, ì ạch đi qua vì ùn tắc.

Ngày 23/11, trên phố Hàng Nón (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) một gia đình dựng rạp cưới giữa đường khiến xe cộ nối hàng dài không thể lưu thông, nhiều người phải chôn chân một chỗ trong khi đó những màn pháo giấy, những tiếng hô vang nâng chén bên trong rạp vẫn vang lên liên hồi.


“Những tuyến phố trong khu vực phố cổ Hà Nội đã chật hẹp, nay gia đình còn dựng rạp chiếm dụng phần lớn lòng đường. Không những vậy, còn phải nhường chỗ cho bãi đỗ xe của khách tham dự đám cưới, khiến nhiều phương không thể đi lại qua đây”, anh Nguyễn Tiến Lực (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phản ánh.


Bà Tuyết, một người dân trong phố cổ lên tiếng: “Biết việc cưới hỏi của gia đình là quan trọng, nhưng thiết nghĩ khi dựng rạp, tổ chức, hay bố trí âm thanh cũng cần có ý thức, cần nghĩ cho cộng đồng nữa. Đường phố đã chật, dựng rạp cũng nên thu hẹp lại, loa đài cũng nên mở ở mức độ đủ “vui”. Nhạc nhẽo ầm ĩ, hô hào ăn uống thật không văn minh chút nào”.


 Rạp cưới, xe khách mời lấn chiếm trọn lòng đường ở phố Cổ Hà Nội


Trong khi đó, bác Nguyễn Minh Thân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể: "Cứ đám cưới là dựng rạp ra đường, rồi ăn uống, hát hò ầm ĩ. Tôi đã từng chứng kiến, một đám cưới nhậu nhẹt từ sáng đến đêm, thậm chí say sưa còn đuổi đánh nhau loạn cả khu phố”.


Độc giả Phạm Minh T. gửi bức xúc đến báo điện tử VTC News, vào một đêm tháng 6/2015, anh chở vợ và con đến phố Khâm Thiên thì bất ngờ nhìn thấy hai cọc tiêu dựng giữa đường khiến anh hoảng sợ phanh gấp.

"Nhìn thấy cọc tiêu tôi hoảng hồn phanh gấp chút nữa thì ngã ra đường, quan sát kỹ phía trước, tôi mới nhận ra là một rạp đám cưới đang dựng trên vỉa hè tràn ra cả lòng đường.



Hai cọc tiêu cảnh báo cùng dây dăng ngang ra giữa đường khiến nhiều người lầm tưởng là có đơn vị nào đang thi công sửa đường, đâu ngờ rạp cưới án ngữ giữa đường. Nếu tôi lơ đễnh là lao thẳng vào đám cưới rồi...chắc chắn sẽ rất thảm khốc”, anh T. bức xúc nói.


Khách mời vừa ăn vừa run


Một khách mời cưới tên H. tại phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cùng bạn đến dự đám cưới tại đây đã miêu tả lại cảm giác sợ hãi khi bước chân vào hôn trường với phóng viên.

Một rạp cưới chiếm nửa lòng đường ở thủ đô.


"Anh cứ tưởng tượng, cả cái rạp cưới to đùng trước nhà chú rể, chắn ngang phần vỉa hè rộng độ 4 mét, sau đó còn "ăn" xuống đường đi khoảng 1 mét, xe cộ đi lại tấp nập qua cổng rạp khiến mình không thể bước chân được vào trong.

Buồn cười nhất là cô dâu chú rể cứ nấp nấp, ngó ngó từ trong rạp ra đường để đón khách, còn khách thì tất tả bám níu tay nhau tránh xe cộ để vào trong rạp..." - vị khách mời H. hài hước nói.



Thoát khỏi cảm giác sợ hãi để vào được trong hôn trường, vị khách mời này lại thêm được một trải nghiệm "rùng mình" nữa khi ngồi ăn tiệc giữa một tuyến đường đông đúc xe cộ qua lại.

"Nói thật chứ, vào ngồi ăn tiệc rồi mình còn lo hơn. Mình ngồi sát ngay hàng ghế gần đường, xe cộ đi qua gió cứ thổi vù vù, tiếng ga gầm rú bất thình lình khiến mình ngồi ăn không yên. Nhớ lại mấy vụ ngồi ăn cưới bị xe đâm chết mà run quá, nghĩ nhỡ may lại rơi trúng mình...Thế là cố ăn xong nhanh rồi "chuồn", vị khách mời H. nói.
Một con đường bị đám cưới "nuốt gọn". (Ảnh: VNN)

Chị Vũ Như Hồng (Hưng Yên) chia sẻ sau một lần đi ăn cưới ở Hà Nam: “Nhà trai dựng rạp giữa lòng đường, ngồi ăn bên trong mà xe cộ cứ chạy rầm rầm, san sát. Mỗi lần ô tô chạy qua lại phải buông đũa xuống để đề phòng. Đi ăn tiệc cưới cứ như đi đánh trận”.

Thỏa hiệp với "thần chết"


Biết là nguy hiểm cho khách mời và người thân, nhưng những gia đình tổ chức tiệc cưới dưới lòng lề đường vẫn "tặc lưỡi" cho qua.

Trao đổi với PV, một gia chủ dựng rạp cưới trên phố Hàng Nón (Hà Nội) ngày 23/11 cho biết về việc dựng rạp cưới giữa đường: "Mỗi nhà có một việc, cả đời cưới một lần, hàng xóm làng giềng nhìn nhau một tí mà sống. Mình làm xong mình trả lại đường cho bà con đi, có ai nói gì đâu. Bà con thấy có đám đường này thì bà con vòng đường khác đi cũng được mà."

Bất chấp xe cộ đi lại, nguy hiểm rình rập, các rạp cưới vẫn vô tư tràn ra lòng đường. (Ảnh: Thanh niên)

Khi được hỏi có lo sợ tai nạn bất ngờ cho khách mời và người thân hay không, vị gia chủ này khoát tay: "Tai nạn sao được. Xe cộ họ đi từ xa họ phải nhìn thấy rạp cưới để giảm tốc độ rồi chứ. Mình cũng có cử người canh gác 2 đầu rạp rồi, có xe cộ là phải ra hiệu để thông báo.

Một vị tổ trưởng dân phố ở phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Đất lề quê thói vẫn vậy, người dân vẫn muốn tổ chức tại nhà vừa vui, vừa tiện. Chưa thể thay đổi được ý thức của các hộ dân, dù biết rằng dựng rạp thế là nguy hiểm, là vi phạm luật an toàn giao thông. Chúng tôi không cho tổ chức không được. Người này được, người kia không được thì họ lại tị nạnh nhau."


Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Công an phường Hàng Buồm khẳng định: "Việc người dân dựng rạp lấn chiếm lòng đường thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại. Nhưng đối với trường hợp ma chay, hiếu hỷ, khi người dân có nhu cầu sẽ gửi yêu cầu đến cơ quan chức năng và chính quyền sở tại để sử dụng lòng đường vỉa hè không vì mục đích giao thông trong vòng 48 tiếng. Cái này đã có quy định cho người dân và được phép rồi."

Hà Minh - Việt Linh

Nguồn:

Tin mới