Tuấn Minh (19 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ, thời gian gần đây mặt xuất hiện nhiều nốt mụn khiến chàng trai vô cùng tự ti. Trong một lần lượt mạng xã hội, Minh thấy một loại kem có mẫu mã bắt mắt, được quảng cáo xuất xứ từ nước ngoài với công dụng xóa mụn hiệu quả, thần tốc.
"Loại kem ấy có hàng nghìn lượt bán, và rất nhiều phản hồi điều trị hiệu quả", Minh nói và cho biết đánh đúng mong muốn hết mụn của bản thân nên chàng trai nhanh chóng đặt mua về sử dụng.
Thời gian đầu khi sử dụng, da của Minh đỡ mụn và trắng sáng hơn. Chàng sinh viên 19 tuổi nghĩ đã tìm được chân ái cho làn da của mình. Tuy nhiên khi mụn hết, ngừng sử dụng thuốc một thời toàn bộ da mặt thanh niên trở nên đỏ yếu, mụn viêm bùng phát mất kiểm soát.
Quá bối rối khi làn da tưởng chừng được cứu nay lại “xuống cấp” nhanh chóng, Minh tiếp tục mua sản phẩm đó về bôi thoa với hy vọng cứu lại làn da lần nữa, nhưng tình trạng da không những không cải thiện mà ngày càng tồi tệ với những nốt viêm đầy dịch, mủ.
Da của Minh (bên phải) và Mai xuất hiện các ô viêm nhiễm, đầy dịch mủ sau khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. (Ảnh BSCC)
Cùng gặp phải tình cảnh da viêm nhiễm nặng do dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc như Minh, Quỳnh Mai, (23 tuổi) bị mụn dậy thì, được bạn bè giới thiệu dùng serum không rõ nguồn gốc, kết hợp với đi nặn mụn ở một cơ sở làm đẹp.
Sau một thời gian bôi mỹ phẩm, da của Mai không đẹp lên mà xuất hiện tình trạng các cục viêm tấy bội nhiễm vi khuẩn, đau nhức, các ổ áp xe chảy dịch mủ, tạo thành những lỗ rò trên mặt.
“Em phải lót khăn dưới gối để các dịch mủ và máu chảy ra không bị thấm vào gối”, cô gái chia sẻ không chỉ đau đớn, cô còn rơi vào stress nghiêm trọng, tự ti không dám bước chân ra đường.
Bác sĩ Lã Thanh Hà - Trưởng khoa Da liễu Học viện Y Dược Cổ truyền Việt Nam cho biết, hai bệnh nhân tìm đến khám trong tình trạng da ở mức đáng báo động, có hiện tượng giãn mạch, đỏ da, nhạy sáng, hàng rào bảo vệ da suy yếu. Ở Mai mặt bắt đầu xuất hiện các vết loét, rất dễ bị nhiễm khuẩn huyết.
Hiện nay các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng được đội mác tinh vi hơn với mẫu mã, chai lọ tinh xảo, bắt mắt và được quảng cáo bằng lời lẽ “có cánh” dưới nhiều hình thức.
Thậm chí nhiều loại mỹ phẩm lấy tên nước ngoài, thuê PR, quảng cáo rầm rộ; xây dựng hệ thống cộng tác viên, mở ra các chuỗi phân phối sản phẩm…, trên các nền tảng xã hội.
"Đánh vào tâm lý người dùng nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, đọc nhiều đánh giá có cánh trên mạng mà dễ dàng tin theo và rút hầu bao mua về những sản phẩm không rõ xuất xứ, cuối cùng nhận lại kết quả mặt không đẹp lên mà viêm nhiễm nặng", bác sĩ Hà cho hay.
Bác sĩ Hà thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh: BSCC)
Hai sinh viên trên không phải là nạn nhân duy nhất của mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỗi tháng bác sĩ đón nhận hàng chục ca đến viện do biến chứng dùng mỹ phẩm.
Di chứng việc dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc để lại là rất lớn, nhiều bạn sau điều trị da rỗ, tổn thương đỏ, không thể phục hồi như ban đầu. Bác sĩ Hà khuyến cáo, làm đẹp là nhu cầu chính đáng của bất kỳ ai, nhưng cần lưu ý phải làm đẹp đúng cách để tránh “tiền mất tật mang”.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo hơn trong việc mua và sử dụng sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, nhất là những sản phẩm bôi trực tiếp lên khuôn mặt mình.
Khi gặp vấn đề về da liễu, hãy nhanh chóng tìm đến bệnh viện, phòng khám, cơ sở điều trị chuyên khoa uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những rủi ro xấu có thể xảy ra.