Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dùng điện thoại bạn gái đăng ký nguyện vọng, nam sinh ngã ngửa khi nhận kết quả

Dùng số điện thoại của bạn gái để đăng ký xét tuyển, chủ quan không điều chỉnh nguyện vọng, nam sinh ngã ngửa khi trượt trường yêu thích dù đủ điểm

Hôm nay (30/6) là ngày cuối cùng thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Vì vậy, thí sinh vẫn còn cơ hội để “sửa sai” nếu muốn.

Là người gắn bó với tuyển sinh, TS. Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT  chia sẻ bài học cười ra nước mắt của một thí sinh trong mùa tuyển sinh 2019.  

Thí sinh này dùng số điện thoại của bạn gái để đăng ký nguyện vọng. Thí sinh đó thi đạt kết quả cao nên yên tâm không điều chỉnh nguyện vọng. Nhưng khi nhận thông báo kết quả thi mới biết mình trượt đúng trường yêu thích, dù đã đủ điểm chuẩn vào trường.

Nguyên nhân cô bạn gái này có tài khoản của bạn trai nên tự ý đổi nguyện vọng. Sau đó, cô bạn lại ra nước ngoài nên không thông tin được cho bạn của mình.

Từ bài học thực tế trên, TS. Sái Công Hồng lưu ý các thí sinh nên dùng số điện thoại của mình đăng ký và tuyệt đối giữ bí mật thông tin tài khoản, chỉ có thể chia sẻ với bố mẹ, đừng để người khác nắm giữ điều đó, vì rất có thể sẽ gặp rắc rối như thí sinh trên.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, những thí sinh muốn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng phải đăng ký số điện thoại, email của mình khi đăng ký dự thi. Sau ngày 30/6, thí sinh không được thay đổi điểm thi và các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký.

Một vấn đề đang được thí sinh quan tâm đó là mối quan hệ giữa điểm đầu vào và năng lực của thí sinh, nhất là đối với những trường top cao. TS. Sái Công Hồng cho rằng, việc có thành công hay không, lệ thuộc vào trên 60% nỗ lực của sinh viên sau khi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Theo nghiên cứu của Viện Khảo thí Hoa Kỳ ETS thì kết quả đầu vào chỉ quyết định khoảng 36% sự thành công của việc học ở bậc đại học. Ngoài ra, còn cần sự đam mê, kiên trì bền bỉ.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT. (Ảnh minh hoạ)

Thực tế, tại các trường có điểm chuẩn đầu vào thuộc tốp của Việt Nam cũng chứng minh điều này. GS.TS. Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết, đầu vào của trường vốn được lọc rất kỹ vì chỉ khoảng 5% thí sinh trúng tuyển khi đăng ký xét tuyển vào trường.

Số sinh viên bị loại hằng năm khoảng 3-5%. Còn tại Đại học Bách khoa Hà Nội  tỷ lệ sinh viên không theo học được 15%. Tỷ lệ sinh viên bị loại hằng năm tại Kinh tế Quốc dân khoảng 10 – 15%. Tuy nhiên, trong số này có khoảng 5% sinh viên đi du học.

TS. Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, kết quả khảo sát gần nhất của Học viện Tài chính, có khoảng 25% số sinh viên không tốt nghiệp đúng thời hạn do để nhiều yếu tố ảnh hưởng. Trong số này có những sinh viên từng có điểm đầu vào cao, đạt giải thi học sinh giỏi quốc gia ở phổ thông. Điều này cho thấy, nỗ lực trong 4 năm học đại học mới mang tính quyết định.

Không học tủ

TS Sái Công Hồng khuyên thí sinh nghiên cứu kỹ đề thi tham khảo. Ông cho biết đề thi sẽ không ra vào nội dung đã tinh giản, nhưng lưu ý "không nên học tủ" vì rất có thể sẽ bị mất điểm từ chính việc học "tủ".

Theo ông Hồng, một tác phẩm có trong đề thi năm trước vẫn có thể được đưa lại ở đề thi năm nay nhưng cách hỏi sẽ khác. Vì thế, việc của các em là phải đọc kỹ đề, hiểu yêu cầu của đề. Cách ôn tập tốt nhất là sắp xếp kiến thức theo chủ đề, kết hợp với đề thi tham khảo để biết mức độ của đề thi sẽ ra.

Ông Hồng cũng lưu ý, khi làm bài thi trắc nghiệm, nên làm từ trên xuống dưới theo tuần tự. Vì đề thi sẽ được sắp xếp từ dễ đến khó. Khi học sinh đã làm đạt được 60-70% đề thi thì sẽ tự tin, có cảm hứng để làm tốt những câu hỏi khó mang tính phân hóa cao.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới