Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đức Phật bị em vợ mưu sát, tranh quyền quản lý giáo hội ra sao?

(VTC News) -

Tham danh vị và đố kỵ với Đức Phật, em vợ ngài, tỳ khưu Đề Bà Đạt Đa, từng đòi tranh quyền quản lý giáo hội tăng già và nhiều lần mưu sát ngài.

Sau khi chứng ngộ đạo pháp, Đức Phật không ngừng tế độ chúng sinh bằng cách truyền dạy con đường thoát khổ, tìm hạnh phúc chân thật. Trong số những người được ngài độ có rất nhiều thân nhân. Kế mẫu, các em cùng cha khác mẹ, các anh em họ, con trai, người phụ nữ từng kết tóc xe tơ với ngài… cũng lần lượt xuất gia.

Trong số các thân nhân xuất gia làm tăng của Đức Phật có một người rất thông minh tài giỏi nhưng cũng đầy lòng tham luyến và đố kỵ, trở thành người chống đối lớn nhất của ngài. Đó là Đề Bà Đạt Đa (Devadatta).

Tỳ khưu Đề Bà Đạt Đa nhiều lần mưu sát Đức Phật.

Vị tăng có nhiều phép thần thông

Cuốn sách nổi tiếng "Đức Phật và Phật pháp" của Đại đức Narada Maha Thera cho biết, Đề Bà Đạt Đa là hoàng tử của vương quốc Câu Lỵ (Kolyja). Hoàng hậu mẹ ông chính là cô ruột của Đức Phật, em ruột của vua Tịnh Phạn (Suddhodana). Chị gái ông là công chúa Da Du Đà La (Yasodhara), người vợ của Phật trước khi ngài xuất gia tìm đạo. Như vậy, xét về quan hệ gia đình, Đề Bà Đạt Đa vừa là em họ, vừa là em vợ của Phật.

Ông xuất gia cùng thời với các hoàng thân của tộc Thích Ca (Sakya). Các kinh sách cho biết, thời gian đầu, vị tỳ khưu này có nếp sống gương mẫu, cao thượng đến mức đức Xá Lợi Phất (Sariputta), một trong các đại đệ tử của Phật, đi khắp thành Vương Xá (Rajagaha) để ca ngợi.

Tỳ khưu Đề Bà Đạt Đa không đắc thánh quả nào nhưng lại luyện được nhiều phép thần thông xuất sắc. Ngưỡng mộ và kính nể ông, đại thí chủ A Xà Thế (Ajatasattu) – thái tử và sau đó là vua của vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha), đã xây dựng cho ông một tu viện. Do có nhiều phép thần thông, vị tỳ khưu này có rất đông đệ tử và những người sùng bái, họ coi trọng ông còn hơn cả tôn giả Xá Lợi Phất.

Có lẽ vì tự mãn và bị danh lợi trần thế làm cho mù quáng nên tỳ khưu Đề Bà Đạt Đa dần sinh lòng đố kỵ với Đức Phật. Tâm đố kỵ ngày một lớn gây ra sân hận, biến ông trở nên người thù nghịch nguy hiểm nhất của Đức Phật.

Tranh quyền, mưu sát Phật

Một hôm, tỳ khưu Đề Bà Đạt Đa đến thỉnh cầu Đức Phật giao cho ông quyền quản lý giáo hội tăng già, với lý do lúc đó Phật tuổi tác đã cao. Ngài từ chối thẳng: “Đến như Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên (Moggallana) mà Như Lai còn chưa giao phó giáo hội tăng già, làm sao Như Lai có thể giao cho ngươi".

Tức giận, Đề Bà Đạt Đa lui về với ý nguyện trả thù. Đoán biết về những chuyện sẽ xảy ra, để bảo vệ uy tín giáo hội, Đức Phật tuyên bố với tăng chúng rằng chỉ có Đề Bà Đạt Đa phải chịu trách nhiệm về những hành động của ông dưới danh nghĩa Tam bảo.

Cũng theo kinh sách, sau đó Đề Bà Đạt Đa âm mưu với thái tử A Xà Thế sát hại Phật. Vị tỳ khưu có tâm ganh ghét, sân hận này khuyên thái tử giết cha đoạt ngai vàng, phần ông sẽ giết Đức Phật để nắm giáo hội. A Xà Thế đã thành công trong việc thoán nghịch, lên làm vua; nhưng Đề Bà Đạt Đa lại thất bại trong mưu đồ của mình. Những sát thủ ông thuê đi giết Phật khi nhìn thấy ngài đều xin quy y Tam bảo.

Đề Bà Đạt Đa lăn tảng đá lớn để sát hại Đức Phật.

Không từ bỏ, Đề Bà Đat Đa quyết định tự tay mình hành thích. Một lần khi Đức Phật đi bên sườn núi, ông ta trèo lên đỉnh, đẩy tảng đá lớn cho lăn xuống phía ngài. Rất may nó va phải tảng đá khác và vỡ nát, chỉ có những vụn nhỏ bắn vào chân ngài gây chảy máu.

Hôm khác, Đề Bà Đat Đa cho con voi của Phật uống rượu say rồi xua nó chạy tới chỗ ngài. Thấy con voi bỗng nhiên trở nên hung dữ đang lao tới, tôn giả An Nan Đà (Ananda) vội vàng đứng chặn trước mặt Phật định hy sinh bản thân. Tuy nhiên, Phật đã dùng tâm từ để cảm hóa voi, khiến nó dừng lại.

Sau những lần tìm cách giết Đức Phật, Đề Bà Đạt Đa mất hết uy tín, bị đệ tử rời bỏ và dư luận lên án. Cả vua A Xà Thế cũng bỏ rơi ông (ông vua này sau đó cũng sám hối những tội lỗi của mình, cải tà quy chính, trở thành đại thí chủ có công rất lớn trong việc hoằng dương Phật pháp).

Thế nhưng vị tỳ khưu lầm lạc vẫn tiếp tục nuôi ý định làm hại Phật, lần này là bằng âm mưu bôi nhọ ngài và chia rẽ giáo hội tăng già. Ông đến gặp Đức Phật đề nghị ban hành thêm 5 giới luật cho người xuất gia: Phải sống trọn đời trong rừng; phải sống đời du phương hành khất; phải đắp y Pamsakula (may bằng những mảnh vải nhặt ở đống rác hoặc nghĩa địa); phải sống dưới gốc cây và ăn chay suốt đời.

Đề Bà Đạt Đa biết Phật không đồng ý với đề xuất này nên cố tình nêu ra để bị từ chối, sau đó sẽ dựa vào đó nói xấu Đức Phật.

Quả thật, Phật tuyên bố không áp dụng bắt buộc 5 điều trên, các đệ tử được tự do lựa chọn. Đề Bà Đạt Đa liền rêu rao: "Này các đạo hữu, những điểm tôi đề xuất và những lời của Đức Phật, lời nào cao thượng hơn? Ai muốn thoát khỏi mọi đau khổ hãy theo tôi". Nhiều tu sĩ mới xuất gia, chưa hiểu giáo pháp, thấy giới luật Đề Bà Đạt Đa đưa ra khắt khe, đòi hỏi sự khổ hạnh lớn hơn nên cho là cao thượng hơn, liền đi theo ông ta. Tuy nhiên, khi được các vị Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất giải thích, họ đã trở về.

Còn Đề Bà Đạt Đa sau đó nhanh chóng nhận quả báo. Ông mắc bệnh nặng. Những ngày cuối đời, vị tỳ khưu nhận ra tội lỗi của mình và thành tâm sám hối. Ông mong được yết kiến Đức Phật, nhưng nhân độc đã sinh quả dữ nên tâm nguyện không thành, ông phải chết một cách khổ sở. Ở phút cuối cùng, ông đã đọc kinh quy y Phật.

Dù gây nhiều tội lỗi nhưng kinh sách nói rằng, nhờ những năm đầu sống đời trong sạch, cao thượng và phút cuối “quay đầu”, trong tương lai xa xôi, rất nhiều kiếp sống sau đó, khi đã trả đủ nghiệp báo, Đề Bà Đạt Đa sẽ tu thành chính quả, trở thành một vị Phật độc giác.

Huyền Vi

Tin mới