Theo Bộ Quốc phòng Đức, sau khi hai tiểu đoàn xe tăng Đức tham gia nhóm tác chiến NATO, lực lượng NATO sẽ thành lập một lữ đoàn mới đóng quân tại Litva. Đơn vị mới, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025, sẽ có tổng cộng 4.800 quân nhân.
“Tiểu đoàn xe tăng 203 và tiểu đoàn bộ binh cơ giới 122 sẽ được tái triển khai tới Litva. Đơn vị xe tăng mới thành lập sẽ được đặt tên là Lữ đoàn xe tăng 42. Lực lượng bổ sung sẽ gia nhập đội quân của NATO - do Đức lãnh đạo, sau khi tất cả cơ sở hạ tầng cần thiết đã được đưa vào sử dụng", Bộ Quốc phòng Đức cho hay.
Đức điều tiểu đoàn xe tăng tham gia nhóm tác chiến của NATO hiện diện tại Litva. (Ảnh: Getty)
Hiện có khoảng 1.700 binh sĩ từ 6 quốc gia thành viên NATO đóng quân tại quốc gia vùng Baltic này, khoảng một nửa trong số đó là quân nhân Đức.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius mô tả kế hoạch triển khai này là “dự án ngọn hải đăng của thời đại mới”, nhấn mạnh quân đội Đức sẽ thành lập thêm một số đơn vị mới để bổ sung, thay thế cho 2 tiểu đoàn được điều đến Litva.
Phát biểu với truyền thông Đức vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói rằng, Đức đang tìm cách thể hiện sự đoàn kết và trách nhiệm đối với NATO. Ông cũng mô tả Nga là mối đe dọa, cho rằng điều này có thể sẽ tiếp tục xảy ra “ít nhất trong vài năm tới".
Về phần mình, Moskva nhiều lần cảnh báo NATO không nên di chuyển lực lượng đến gần biên giới Nga, tuyên bố sẽ phải đáp trả tương xứng trước việc NATO tăng cường quân sự ở Đông Âu.
Vào tháng 9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko cáo buộc khối quân sự do Mỹ đứng đầu đang diễn tập cho một cuộc xung đột quân sự với Moskva, sau khi NATO công bố kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận chung lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Nhà ngoại giao này nói cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 của NATO “rõ ràng mang tính chất gây hấn", nhằm gây áp lực quân sự - chính trị với Nga.
Tháng trước, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói Nga sẽ phải đáp trả kế hoạch chia sẻ hạt nhân của NATO. Ông cho rằng việc Mỹ chia sẻ kế hoạch hạt nhân với đồng minh sẽ mang lại nhiều “rủi ro chiến lược” cho Nga.