Hôm 26/12, trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) viết trong báo cáo thường niên: “Trong một số thời điểm, chủ đề của kinh tế thế giới là cuộc đối đầu thương mại và quyền lực mềm giữa Mỹ và Trung Quốc... Đại dịch COVID-19 và thảm họa kinh tế đi kèm đã đẩy lợi thế cạnh tranh nghiêng về phía Trung Quốc”.
CEBR cho biết “sự quản lý khéo léo của Trung Quốc trong đại dịch”, việc nước này phong tỏa nghiêm ngặt từ sớm, kết hợp với tác động của COVID-19 đến sự tăng trưởng dài hạn ở phương Tây dẫn đến hiệu quả kinh tế của Trung Quốc được cải thiện.
Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028. (Ảnh: Reuters)
Dự kiến, mức tăng trưởng kinh tế trung bình của Trung Quốc từ 2021-2025 là 5,7% mỗi năm, từ 2026-2030 là 4,5% mỗi năm.
Dù kinh tế Mỹ có thể sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch vào năm 2021, nhưng tốc độ tăng trưởng của nước này sẽ chậm lại còn 1,9% mỗi năm từ năm 2022-2024, sau đó giảm còn 1,6%.
Nhật Bản sẽ vẫn là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Đến năm 2030, dự đoán Ấn Độ sẽ vượt lên, đẩy Đức từ vị trí thứ tư xuống thứ năm. Từ năm 2024, Vương quốc Anh có thể tụt hạng từ vị trí thứ năm xuống thứ sáu.
Châu Âu chiếm tới 19% trong số 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2020, nhưng con số này sẽ giảm xuống còn 12% vào năm 2035, thậm chí là thấp hơn nữa nếu EU và Anh chia rẽ gay gắt, theo CEBR.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh cũng cho biết tác động của đại dịch đối với nền kinh tế thế giới thể hiện ở mức lạm phát cao hơn chứ không phải tăng trưởng chậm hơn: “Chúng tôi dự đoán một chu kỳ kinh tế với lãi suất tăng vào giữa những năm 2020, đặt ra thách thức cho các chính phủ đã vay ồ ạt để tài trợ cho cuộc khủng hoảng COVID-19”.
“Nhưng vào thời điểm này, các xu hướng cơ bản đang được đẩy nhanh để hướng tới một thế giới xanh hơn và công nghệ cao hơn khi chúng ta bước vào những năm 2030”, CEBR nhận định.