Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dự án gang thép Long Sơn gần 2,6 tỷ USD: Vì sao lại chọn Lộ Diêu?

(VTC News) -

Nhà đầu tư Dự án gang thép Long Sơn tại bãi biển Lộ Diêu (Bình Định) thông tin về lý do chọn nơi đây làm nhà máy và giải đáp thắc mắc về môi trường nếu triển khai.

Ngày 30/5 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định tổ chức buổi thông tin chủ trương dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu Liên hợp gang thép Long Sơn (gọi tắt là dự án Long Sơn).

Tại buổi thông tin, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng đã cam kết công nghệ luyện thép của dự án Long Sơn hoàn toàn khép kín, không xả nước thải ra môi trường.

 

Nếu sau này làm nhà máy thép có mét khối nước thải nào đổ ra biển thì tôi sẽ chịu trách nhiệm.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định: ông Hồ Quốc Dũng khẳng định.

Dư luận cho rằng, đây chỉ là cam kết một chiều từ phía lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định.

Để có cái nhìn toàn cảnh về dự án, PV VTC News đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Du, Phó Giám đốc dự án gang thép Long Sơn về những vấn đề xoay quanh siêu dự án này.

- Các chuyên gia cho rằng, đối với các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, nhóm ngành gang thép đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế, nhưng hệ lụy từ ngành công nghiệp luyện gang thép là sự gia tăng áp lực về ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người. Quan điểm của ông thế nào về nhận định này?

Cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật và công nghệ, yêu cầu ngày càng khắt khe về môi trường, nghành công nghiệp sản xuất gang thép đã có những bước phát triển vượt bậc, hướng tới sản xuất xanh, bảo vệ môi trường và thông minh hóa.

Với dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại, quy trình sản xuất khép kín liên hoàn (đầu ra của công đoạn trước là đầu vào của công đoạn sau), các sản phẩm phụ tạo ra đều được thu hồi làm nguyên liệu sản xuất cho các công đoạn khác, tận dụng tối đa tài nguyên, nhiệt dư được tận dụng phát điện, nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất, sinh hoạt được xử lý để tuần hoàn tái sử dụng, không xả nước thải ra ngoài môi trường.

Do đó, trong quá trình sản xuất đã hạn chế rất nhiều việc phát thải nước thải, khí thải và chất thải rắn tới môi trường, đáp ứng các yêu cầu của Nhà nước về phát thải. Về khía cạnh quản lý của Nhà nước và giám sát cộng đồng về môi trường ngày càng chặt chẽ và sát sao. Như vậy đã giảm thiểu, kiểm soát được các tác động bất lợi đến môi trường nên vấn đề về môi trường là hoàn toàn yên tâm, không quan ngại.

Phối cảnh siêu dự án Gang thép Long Sơn 2,6 tỷ USD về đêm tại bãi biển thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định.

- Dư luận thường cho rằng, sản xuất thép là ngành không thân thiện với môi trường, nơi nào có nhà máy thép nơi đó có ô nhiễm. Khu liên hợp Gang thép Long Sơn đối diện với điều này thế nào?

Toàn bộ các vấn đề liên quan đến môi trường, công nghệ đều được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thẩm định: Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định về công nghệ và thiết bị; Bộ Công thương thẩm định và phê duyệt dự án; các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương có liên quan chấp thuận và được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

Sau khi dự án hoàn thành xây dựng, phải được các Bộ/Ban ngành kiểm tra, phê duyệt các hệ thống bảo vệ môi trường, đảm bảo theo quy định mới được đi vào vận hành sản xuất. Ngoài ra, nhiều nhà máy, khu liên hợp gang thép đã và đang áp dụng Kaizen, 5S, quản lý sản xuất thông minh, tinh gọn… để cải thiện môi trường lao động, tăng năng suất, hiệu suất lao động, tận dụng tối đa tài nguyên để giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh. Những nhà máy, khu liên hợp gang thép như vậy là nhà máy xanh, thân thiện môi trường và là nhà máy sạch.

Khu liên hợp Gang thép Long Sơn cũng hướng tới mục tiêu là Khu liên hợp gang thép thân thiện với môi trường, xanh và ít carbon, sản xuất thông minh, trở thành doanh nghiệp sản xuất thép tiêu chuẩn, mang lại lợi ích cho địa phương và vươn tầm khu vực.

- Dự án Gang thép Long Sơn đã có đánh giá thế nào về tác động của dự án này với môi trường khi đi vào hoạt động?

Về đánh giá tác động môi trường, Dự án Gang thép Long Sơn đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi, Nhà đầu tư đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ để xin chủ trương đầu tư. Đã nhận diện, trình bày các tác động đến từng hợp phần môi trường trong quá trình sản xuất và các biện pháp kiểm soát tương ứng. Giai đoạn tiếp theo, Nhà đầu tư sẽ thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết kèm theo các phương án xử lý ô nhiễm môi trường để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

Các dự án lớn và nhất là các ngành sản xuất tiêu thụ nhiều điện năng như sắt thép đều có một dự án sản xuất điện đi kèm để tự cung tự cấp nhằm đảm bảo hoạt động. Dự án này có vậy không? Nếu có thì sẽ là nhà máy nhiệt điện chạy bằng gì?

Dự án Gang thép Long Sơn sử dụng công nghệ tận dụng nhiệt dư để phát điện nhiệt dư, sử dụng hiệu quả các nguồn khí dư thừa, hiệu suất điện tự phát đến 100%.

- Trên thế giới khi đầu tư nhà máy sản xuất gang thép, chủ đầu tư sẽ chọn địa điểm ít gây ảnh hưởng đến môi trường và người dân nhất. Vậy, Lộ Diêu được chọn theo tiêu chí nào, thưa ông?

Với quan điểm, địa điểm đầu tư xây dựng dự án phù hợp với định hướng phát triển ngành công nghiệp luyện kim, của tỉnh, của địa phương, ít tác động đến môi trường và người dân nhất, tác động tốt đến kinh tế khu vực, hiệu quả đầu tư tốt, Nhà đầu tư đã khảo sát nhiều địa điểm, kết quả khảo sát, đánh giá Lộ Diêu có nhiều ưu điểm để đầu tư xây dựng Khu liên hợp gang thép và cảng biển chuyển dùng:

Thứ nhất, ở Lộ Diêu có địa hình, địa chất thuận lợi, khối lượng san và lấp cân bằng nhất.

Thứ hai, Lộ Diêu gần tuyến đường ống dẫn nước ngọt từ sông Lại Giang, rút ngắn còn khoảng 11,3km, tận dụng được địa hình để xây dựng hồ chứa nước dự phòng.

Thứ ba, địa hình vùng biển Hoài Nhơn dốc đều ra phía biển hơn so với vùng biển Phù Mỹ thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống bể cảng và đê/kè chắn sóng, tối ưu đầu tư.

Thứ tư, sau giải phóng mặt bằng, vị trí triển khai dự án độc lập, đáp ứng được tiêu chuẩn về khoảng cách an toàn với khu dân cư, đáp ứng tiêu chuẩn khoảng cách an toàn về môi trường theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và tiêu chuẩn khoảng cách bảo vệ vệ sinh theo Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT.

Thứ năm, so với Phù Mỹ, thì thị xã Hoài Nhơn có lực lượng lao động tốt hơn, dồi dào hơn và trình độ tay nghề cũng cao hơn do đó phù hợp để Nhà đầu tư tuyển dụng vào làm việc tại dự án.

Nhà đầu tư đã khảo sát nhiều địa điểm, kết quả khảo sát, đánh giá Lộ Diêu có nhiều ưu điểm để đầu tư xây dựng Khu liên hợp gang thép và cảng biển chuyên dùng.

- Nước thải trong quá trình sản xuất sẽ được xử lý như thế nào? Doanh nghiệp có đảm bảo trong quá trình hoạt động sẽ không gây hại cho môi trường sống của người dân và động thực vật xung quanh?

Toàn bộ nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất, sinh hoạt của Khu liên hợp gang thép Long Sơn được xử lý để tuần hoàn tái sử dụng, không xả nước thải ra ngoài môi trường. Chất thải trong quá trình xử lý nước thải được ép khô và làm nguyên liệu cho nhà máy thiêu kết; đảm bảo không gây hại cho môi trường do xả nước thải. Cam kết không làm ảnh hưởng đến biển và sinh vật biển do xả nước thải.

-  Vậy còn chất thải rắn phát sinh từ quá trình luyện gang thép bao gồm xỉ than và bụi có lẫn kim loại nặng được xử lý ra sao?

Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tận dụng tối đa tài nguyên, các phụ phẩm ở công đoạn này được sử dụng làm nguyên liệu ở công đoạn khác. Cụ thể:

Bụi sau lọc bụi, vảy sắt, vụn cắt được thu gom sử dụng làm nguyên liệu ở nhà máy vê viên, thiêu kết. Bùn thải được ép khô làm nguyên liệu cho nhà máy thiêu kết.

Xỉ lò cao được nghiền mịn tại nhà máy nghiền xỉ, tạo ra sản phẩm xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95; đá vôi dùng để khử lưu huỳnh được sử dụng thay thế thạch cao tự nhiên sử dụng ở các trạm nghiền xi măng trong hệ thống của công ty;

Việc tận dụng chất thải, biến chất thải thành tài nguyên không chỉ xử lý triệt để chất thải rắn trong quá trình sản xuất, vừa bảo vệ môi trường cũng như tạo thêm nguồn thu cho công ty.

- Nếu dự án được chấp thuận, ngoài việc đền bù GPMB hợp lý cho người dân vùng dự án, chủ đầu tư còn có chính sách ưu tiên, cam kết gì về sinh kế cho người dân không?

Dự án là một cú hích phát triển kinh tế cho tỉnh Bình Định nhưng nỗi lo môi trường, nỗi lo di dời nơi chôn nhau cắt rốn của người dân Lộ Diêu là hoàn toàn chính đáng.

Ngoài Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện theo quy định của UBND tỉnh Bình Định tại các Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 14/02/2019, Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 28/5/2019, Quyết định số 09/2022/QĐ-UBND ngày 29/3/2022, Quyết định số 52/2022/QĐ-UBND ngày 17/8/2022... và các văn bản hướng dẫn có liên quan, nhà đầu tư còn hỗ trợ thêm so với mức quy định, như: Hỗ trợ đền bù tài sản trên đất, mồ mả, hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ tợ tiền thuê nhà, xây nhà, di chuyển tài sản, hỗ trợ người cao tuổi, gia đình có công…

Về an sinh, xã hội, Nhà đầu tư phối hợp với địa phương xây dựng chính sách an sinh xã hội nhằm đảm bảo sự ổn định, lâu dài và nâng cao chất lượng cuộc sống  nhân dân vùng dự án, như: Tuyển dụng lao động làm việc tại dự án, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho toàn bộ hộ nghèo và cận nghèo tại thôn Lộ Diêu bị ảnh hưởng do giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cho học sinh và sinh viên trong, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế…

Chi tiết chính sách bồi thường, hỗ trợ, an sinh xã hội được niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn Lộ Diêu và UBND xã Hoài Mỹ. Nhà đầu tư nghiêm túc cam kết thực hiện các chính sách bồi thường, an sinh xã hội của mình.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Gia - An Yên

Tin mới