Cụ thể, Reuters dẫn hai nguồn tin nội bộ cho biết dự án Tuyến cáp Đông Micronesia đã lâm vào bế tắc do những lo ngại về an ninh tại các quốc đảo đối với gói thầu của Huawei Marine Networks (HMN Tech).
Tuyến cáp Đông Micronesia được thiết kế để cải thiện thông tin liên lạc ở các đảo quốc Nauru, Kiribati và Liên bang Micronesia, bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng dưới nước với dung lượng dữ liệu lớn hơn nhiều so với vệ tinh.
HMN Tech, công ty niêm yết tại Thượng Hải, Trung Quốc, đề nghị nhận thầu dự án Tuyến cáp Đông Micronesia với mức giá 72,6 triệu USD, thấp hơn 20% so với gói thầu của các đối thủ như Alcatel Submarine Networks (ASN) của Phần Lan và NEC của Nhật Bản.
Dự án Tuyến cáp Đông Micronesia kết nối với một đường cáp dẫn đến Guam, vốn thuộc chủ quyền của Mỹ với nhiều khí tài quân sự quan trọng. Do đó, Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại về việc bảo mật an ninh khi HMN Tech của Trung Quốc tham gia đấu thầu.
"Do không có lý do cụ thể nào để từ chối trao hợp đồng cho HMN Tech Huawei, cả ba hồ sơ dự thầu đều bị từ chối", một nguồn tin nói với Reuters.
Dự án Tuyến cáp Đông Micronesia chưa thể tìm ra nhà thầu thi công vì mối lo ngại của Mỹ đối với HMN Tech. Ảnh: Wired.
Vào năm 2020, Washington đã trình bày mối lo ngại về vấn đề này trong một công hàm gửi Liên bang Micronesia, quốc gia có các thỏa thuận phòng thủ quân sự kéo dài hàng thập kỷ với Mỹ.
Công hàm cho rằng các công ty Trung Quốc gây ra mối đe dọa an ninh vì họ buộc phải hợp tác với các cơ quan tình báo và an ninh của Bắc Kinh. Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc này.
HMN Tech là một trong những doanh nghiệp Trung Quốc bị Washington liệt vào "danh sách đen" - bao gồm 59 công ty bị Mỹ cáo buộc có liên quan tới quân đội Trung Quốc hoặc hoạt động trong lĩnh vực giám sát.
Ngân hàng Thế giới cho biết trong một tuyên bố với Reuters rằng họ đang làm việc với các chính phủ các nước liên quan để vạch ra hướng đi tiếp theo cho dự án Tuyến cáp Đông Micronesia.