"Tại sao các vận động viên Trung Quốc lại bị chất vấn khi giành thành tích tốt ở bộ môn bơi lội? Tại sao không ai chất vấn Michael Phelps khi anh ta chiến thắng", hãng tin Reuters dẫn lại phát biểu đầy bức xúc của Zhang Yufei - thành viên đội tuyển bơi Trung Quốc. Michael Phelps từng giành đến 23 huy chương vàng bơi lội trong 4 lần dự Olympic.
Tranh cãi lớn giữa đội tuyển bơi Trung Quốc và phần còn lại xảy ra từ trước khi Olympic Paris 2024 bắt đầu. Trước đó, hàng chục vận động viên bơi của đại lục bị phát hiện dương tính với doping năm 2021 nhưng vẫn được dự Olympic Tokyo 2020. Họ vẫn dự các giải bơi quốc nội dù trong diện điều tra.
Pan Zhanle phá kỉ lục thế giới.
Tuy nhiên, cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) xác nhận kết quả điều ra cho thấy các VĐV Trung Quốc không cố tình dùng chất cấm. Họ bị nhiễm trimetazidine (một loại thuốc tim bị cấm do khả năng tăng cường sức bền) và chất này nhiễm qua thực phẩm từ bếp ăn khách sạn. Các cuộc điều tra độc lập ủng hộ quyết định của WADA. Ngoài ra, World Aquatics cũng kết luận không có bất kỳ sự che đậy nào của các cơ quan quản lý.
Màn "khẩu chiến" càng có dịp bùng phát sau nội dung 100 mét tự do nam năm nay. Pan Zhanle bất ngờ phá kỷ lục thế giới và giành huy chương vàng với thành tích 46 giây 40. VĐV này đã phải trải qua 21 cuộc kiểm tra doping chỉ trong vòng 2 tháng trước khi Olympic khởi tranh.
Tuy nhiên, chuyên gia, bình luận người Australia Brett Hawke khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng khi đăng tải dòng trạng thái: "Không thể thực hiện thành tích (Phan Zhanle phá kỉ lục) này với con người. Đây không phải thành tích có thể xuất hiện trong đời thực, với đối thủ này và giải đấu này".
Tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc thì bình luận: "Đội tuyển bơi lội Trung Quốc đã trải qua số cuộc kiểm tra doping trong hai tuần nhiều hơn so với các vận động viên nước ngoài phải trải qua trong cả một năm".