Trong năm 2020, để tránh thu hút sự chú ý của thế giới đến những sai lầm ban đầu trong công tác xử lý đại dịch, các quan chức Trung Quốc đã sử dụng nhiều chiến thuật để cản trở cuộc điều tra của tổ chức Y tế thế giới.
Đến ngày 14/1/2021, nhóm chuyên gia điều tra của WHO cuối cùng cũng đặt chân tới thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, để truy tìm nguồn gốc của đại dịch COVID-19, theo kênh ruyền thông nhà nước Trung Quốc. Nhưng với bối cảnh chính trị phức tạp trước mắt, quá trình điều tra có thể sẽ kéo dài và gặp nhiều cản trở.
Đội điều tra COVID-19 của WHO phải đối mặt với nhiều thách thức ở Trung Quốc. (Ảnh: AP)
Hoạt động của nhóm bị Trung Quốc hạn chế
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần trì hoãn việc cấp thị thực nhập cảnh cho nhóm chuyên gia, gây lãng phí thời gian đáng kể. Ngay cả trong điều kiện tốt nhất, nhóm chuyên gia vẫn cần ít nhất vài tháng để thực hiện một cuộc điều tra toàn diện, trong khi phải đồng thời điều hướng các nỗ lực chính trị hóa cuộc điều tra của Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh cũng yêu cầu các nhà khoa học Trung Quốc giám sát những công đoạn quan trọng của cuộc điều tra. Việc này hạn chế quyền truy cập của các chuyên gia WHO vào các nghiên cứu và dữ liệu quan trọng. Nhiều người chỉ trích động thái kiểm soát của Bắc Kinh cho thấy cuộc điều tra rất có thể sẽ mang tính chính trị hơn là khoa học.
“Bạn muốn cuộc điều tra này diễn ra một cách toàn diện, độc lập và minh bạch, không bị chính trị hóa. Nhưng chúng ta phải thực tế", ông Yanzhong Huang, thành viên cấp cao của hội đồng Quan hệ Đối ngoại Trung Quốc, nói.
Bất chấp việc bị cản trở, tổ chức Y tế Thế giới cho biết họ dự định tiến hành một cuộc điều tra nghiêm ngặt và minh bạch.
“WHO đã cam kết điều tra nguồn gốc virus ngay từ đầu. Chúng tôi yêu cầu tất cả các nước ủng hộ nỗ lực này bằng cách thể hiện sự cởi mở và minh bạch”, Tarik Jasarevic, phát ngôn viên của WHO, cho biết.
Nhóm chuyên gia WHO cần ít nhất vài tháng để thực hiện một cuộc điều tra toàn diện. (Ảnh: Reuters)
Nhiệm vụ khó khăn
Các chuyên gia của WHO đến từ nhiều nước và có nhiều thập kỷ kinh nghiệm nghiên cứu về các loại dịch bệnh, nhưng việc truy tìm nguồn gốc của loại virus đã giết chết gần 2 triệu người trên toàn thế giới và lây nhiễm cho hơn 92 triệu người vẫn là một nhiệm vụ rất khó khăn. Dù các chuyên gia tin rằng virus này có nguồn gốc từ động vật, có thể từ loài dơi, nhưng những thông tin thu thập được vẫn còn quá ít.
Nhóm dự kiến sẽ kiểm tra các ca bệnh được báo cáo sớm nhất ở Trung Quốc. Trong đó, nhiều trưởng hợp có liên quan đến một khu chợ buôn bán thịt và động vật sống ở Vũ Hán.
Khi tới Vũ Hán, đội điều tra sẽ phải đối mặt với một thành phố đã biến đổi hoàn toàn so với thời điểm dịch COVID-19 mới xuất hiện vào cuối năm 2019. Thành phố bị đóng cửa từ ngày 23/1 năm ngoái và trở thành biểu tượng cho sự tàn phá của virus SARS-CoV-2.
Hiện thời gian và lịch trình chi tiết của nhóm điều tra tại Trung Quốc vẫn chưa được công bố. Theo các chuyên gia y tế cộng đồng, việc đội ngũ của WHO tiếp cận được bao nhiêu thông tin ở nước này có vai trò rất quan trọng trong việc tìm ra nguồn gốc của dịch COVID-19.
Bà Marion Koopmans, nhà virus học người Hà Lan thuộc nhóm chuyên gia của WHO, cho biết cuộc điều tra là một “dự án dài hạn”.
“Chúng tôi sẽ tập hợp tất cả thông tin được thu thập bởi các đồng nghiệp ở Trung Quốc để thảo luận”, bà Koopmans nói thêm.
Trung Quốc đang cố gắng sử dụng cuộc điều tra của WHO để giúp củng cố lại hình ảnh nước này. (Ảnh: Reuters)
Cuộc điều tra đang bị chính trị hóa
Đại dịch COVID-19 đã làm tổn hại uy tín của Trung Quốc trên thế giới. Chính quyền nhiều nước tức giận vì những động thái chậm trễ của Bắc Kinh trong việc kiềm chế đại dịch trong giai đoạn đầu. Vì vậy, Trung Quốc đang cố gắng sử dụng cuộc điều tra của WHO để giúp củng cố lại hình ảnh nước này.
Tờ Tân Hoa xã viết rằng Trung Quốc luôn “cởi mở, thẳng thắn và chân thành” trong cuộc điều tra nguồn gốc của COVID-19.
Hôm 12/1, tờ Global Times viết rằng việc cho phép đội điều tra của WHO nhập cảnh cho thấy Trung Quốc “luôn tận tâm đóng góp vào cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu với thái độ minh bạch, có trách nhiệm và tinh thần tôn trọng khoa học".
Trong cuộc điều tra gặp khó khăn đến từ nhiều phía, WHO còn bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích vì nghe theo quyết định của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên Twitter ngày 12/1: “WHO đã bị Trung Quốc ảnh hưởng và mua chuộc. Các điều tra viên của WHO vẫn không thể tiếp cận Vũ Hán, một năm sau khi những trường hợp (mắc COVID-19) đầu tiên được báo cáo”.
Các chuyên gia nhận xét những cản trở mang động cơ chính trị từ các nước sẽ khiến WHO khó có thể thực hiện một cuộc điều tra “độc lập, khách quan và khoa học”.