Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội nhưng người lao động phải gánh hậu quả'

(VTC News) -

Theo đại biểu Quốc hội, tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH đang gia tăng nhưng người lao động phải gánh hậu quả.

Chiều nay 22/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2020 và việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020.

Tại tổ thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội) nhấn mạnh, tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH có chiều hướng tăng nhanh do tác động của dịch COVID-19, làm ảnh hưởng nghiệm trọng đến quyền lợi của người lao động.

"Khi doanh nghiệp nợ BHXH thì người lao động sẽ không được hưởng, giải quyết các trợ cấp như ốm đau, thai sản, tử tuất. Trong khi đó người lao động vẫn thực hiện đủ nghĩa vụ của mình. Điều này khiến rất nhiều vụ tranh chấp xảy ra, đời sống của người lao động đã khó khăn lại càng khó khăn hơn", ông Thường nói.

Theo vị đại biểu này, có trường hợp người lao động đã sinh con thứ 2 nhưng việc giải quyết chế độ thai sản lần thứ đầu vẫn chưa thực hiện được. Cũng có trường hợp người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn chưa được cấp sổ do doanh nghiệp còn nợ đọng BHXH.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường thảo luận tại tổ.

Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp xây 2 bảng lương, 1 bảng lương để đóng bảo hiểm, 1 bảng lương để trả cho người lao động khiến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng.

"Điều bất hợp lý là doanh nghiệp vi phạm nhưng người lao động lại phải gánh hậu quả", ông Thường đánh giá.

Ông Thường cho biết thêm, luật BHXH có hiệu lực từ năm 2016, trong đó, tổ chức công đoàn có quyền đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, 6 năm qua, chưa có doanh nghiệp vi phạm nào được tòa án đưa ra xét xử.

"Thẩm quyền khởi kiện hiện nay được giao cho công đoàn cơ sở. Tuy nhiên chủ tịch công đoàn cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, ăn lương của doanh nghiệp, nên rất khó khởi kiện ông chủ của mình. Khi sửa đổi luật BHXH, chúng tôi đề xuất nghiên cứu, giao quyền khởi kiện này cho công đoàn cấp trên thực hiện", đại biểu Thường đề xuất.

Phát biểu tại tổ thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội rất rõ ràng, cụ thể. Sau khi lấy ý kiến thảo luận từ các ĐBQH, tới đây Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết chung về việc sử dụng hiệu quả quỹ BHXH và BHYT.

"Vấn đề quan trọng và cấn thiết nhất là nghị quyết ban hành phải sát và đúng như tinh thần mang hơi thở từ cuộc sống, còn nếu chúng ta chỉ nói trong nghị trường mà sau đó mọi việc trở lại như cũ sẽ không có ý nghĩa gì", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Nhắc lại việc cách đây hơn 1 tháng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý, khai trừ khỏi Đảng các Tổng Giám đốc BHXH qua các thời kỳ, hay như một số địa phương cũng đang xử lý vi phạm về các sai phạm liên quan đến việc sử dụng, đầu tư quỹ không đúng. Do đó, cần phải xem lại kẽ hở của pháp luật nếu có để từ đó chấn chỉnh.

Theo Bộ trưởng, qua các đợt dịch bệnh vừa qua cũng bộc lộ nhiều vấn đề về bảo hiểm như số dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp là rất lớn. Vừa qua, sau khi xin ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ nguồn quỹ này.

"Dân đóng vào quỹ thì dân là đối tượng được thụ hưởng, Nhà nước có trách nhiệm quản lý quỹ đó. Chúng ta phải luôn tuân thủ quan điểm này thì Nghị quyết sắp tới mà Quốc hội ban hành sẽ đáp ứng được sự mong đợi của cử tri" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Quang Tuyền - Xuân Trường

Tin mới