Theo Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (bang Oregon) – thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ – hôm 5/4 thông báo ông sẽ dẫn đầu phái đoàn lưỡng viện quốc hội Mỹ đến Việt Nam và Indonesia trong tuần này và tuần tới.
Thượng nghị sĩ Jeff Merkley. (Ảnh: Twitter)
Thông tin từ phái đoàn cho biết, đoàn sẽ làm việc để thúc đẩy quan hệ song phương cũng như quan hệ đa phương với các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tham gia cùng ông Merkley là Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen và các Hạ nghị sĩ Pramila Jayapal, Lloyd Doggett và Ilhan Omar.
“Việt Nam và Indonesia là những đối tác quan trọng của Mỹ, và chỉ khi làm việc cùng nhau, chúng ta mới có thể giải quyết những thách thức nhiều mặt của thế kỷ này", Thượng nghị sĩ Merkley nói. “Chuyến đi của chúng tôi sẽ là cơ hội để củng cố không chỉ mối quan hệ giữa chính phủ hai nước mà còn giữa người dân hai nước”.
Theo phái đoàn Mỹ, một số nội dung của chuyến đi bao gồm về khí hậu, an ninh chung, giải quyết hậu quả chiến tranh, vai trò trung tâm của ASEAN.
Dự kiến, trong 8 ngày, phái đoàn sẽ tham dự hơn 35 cuộc họp với các quan chức chính phủ, lãnh đạo ASEAN, các tổ chức đoàn thể xã hội, lãnh đạo ngành và người Mỹ làm việc ở Việt Nam và Indonesia.
Liên quan đến tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu, tại Việt Nam, phái đoàn sẽ đến thăm một thị trấn trên sông Mekong, nơi bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao. Trong khi đó, tại Indonesia, phái đoàn sẽ đến rừng nhiệt đới ở Borneo để tìm hiểu các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng.
Trước chuyến thăm, Thượng nghị sĩ Merkley và Van Hollen – người giữ chức vụ Chủ tịch Tiểu ban Quan hệ đối ngoại Đông Á của Thượng viện Mỹ – đưa ra nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, trong kiến trúc thể chế của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Merkley cùng với Thượng nghị sĩ Mỹ Dan Sullivan cũng đưa ra một nghị quyết lưỡng đảng nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường, nhân đạo và kinh tế mà sông Mekong đang phải đối mặt, cũng như công nhận tầm quan trọng thiết yếu của Quan hệ đối tác Mekong-Mỹ trong việc hỗ trợ sự thịnh vượng ở khu vực.