Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Điều trị COVID-19 hết tiền tỷ không phải chi trả, người thân mừng rơi nước mắt

(VTC News) -

Người thân của bệnh nhân COVID-19 rơi nước mắt khi hay tin không phải chi trả khoản phí điều trị lên tới hàng tỷ đồng, trong khi gia đình đang rất khó khăn.

Những ngày qua, chị Thanh Thảo, 33 tuổi, ở TP.HCM mắc COVID-19 nguy kịch, trải qua 86 ngày điều trị, trong đó 61 ngày can thiệp ECMO tại Bệnh viện Quân y 175, viện phí lên đến hơn 2,3 tỷ đồng nhận được sự quan tâm từ dư luận. Bởi số tiền viện phí quá lớn, nhất là đối với những gia đình khó khăn, làm sao chi trả nổi? Chưa kể điều trị gì, thuốc gì mà số tiền đến hàng tỷ đồng như vậy?

Người thân mừng rơi nước mắt

Chúng tôi tìm gặp Thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó Giám đốc Trung tâm điều trị COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 để có lời giải.

Bác sĩ Ân mở đầu câu chuyện về bệnh tình và quá trình điều trị của chị Thảo với sự hồ hởi. Theo bác sĩ Ân, chị Thảo là kỷ lục về thời gian nằm viện, thời gian đặt ECMO và viện phí tại viện Quân y 175. Trước từng có bệnh nhân tên Hòa phải đặt tim phổi nhân tạo xuất viện với chi phí lớn thứ hai, lên tới khoảng 1,8 tỷ đồng.

Điều đáng nói là số tiền điều trị lên đến hàng tỷ đồng nhưng bệnh nhân không phải trả. Về việc này, bác sĩ Ân giải thích, theo quy định của Việt Nam, người mắc COVID-19 được khám và điều trị miễn phí nên bệnh nhân không phải trả viện phí.

“Ở Việt Nam, điều trị COVID-19 miễn phí. Không như thế giới, phải điều trị hết bao nhiêu phải trả bấy nhiêu. Có thể kinh tế của mình chưa giàu nhưng chế độ đãi ngộ của mình lại rất khá, rất nhân văn. Tất cả kinh phí liên quan điều trị COVID-19, kể cả ECMO đều được ngân sách Nhà nước giải quyết hết”, bác sĩ Ân nói.

Bác sĩ Vũ Đình Ân. 

Người bệnh phải trả phí không đáng kể gì so với thực tế tiền điều trị, chỉ là tiền ăn. Nhà nước quy định điều trị COVID-19 trong 45 ngày bao ăn, mỗi ngày được 80.000 đồng, ngày 46 trở đi tiền ăn bệnh nhân phải chi trả. Nhưng từ ngày 46 bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ được hưởng phần phí này nữa, thành ra chi phí thấp cực kỳ.

“Những người bị COVID-19 cho dù điều trị hàng tỷ đồng nhưng đóng viện phí cực kỳ nhỏ, chi phí ngân sách Nhà nước chi trả, họ trả không đáng kể gì so với thực tế tiền điều trị. Thậm chí những người đã bị khởi tố làm lây lan dịch bệnh khi vào điều trị vẫn hưởng chế độ miễn phí, thay vì phạt họ”, bác sĩ Ân khẳng định.

Theo bác sĩ Ân, trung bình 1 ca COVID-19 chạy ECMO sẽ tốn từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng. Trong khi đó gia đình bệnh nhân Thảo lại khó khăn, thực tế khó mà trả nổi khoản viện phí tới hơn 2,3 tỷ đồng. 

Ngoài bệnh nhân Thanh Thảo, viện Quân y 175 cũng điều trị cho một sản phụ mắc COVID-19 phải chạy ECMO. Khi bác sĩ gọi điện cho gia đình báo chi phí điều trị, chồng bệnh nhân ở đầu dây bên kia đột nhiên im bặt, cứ như chết lặng vậy. Sau khoảng chục giây "im hơi lặng tiếng", chúng tôi mới nghe “làm ơn cứu giúp nhà tôi với sau này có gì tui bán nhà cửa, ruộng ở quê trả viện phí sau”.

"Vợ chồng nghèo đến thành phố sinh sống, họ nghe tiền tỷ, họ hốt hoảng, họ sợ chứ, nhưng khi biết được là miễn phí họ đã vỡ òa sung sướng.

Ngày ra viện, chồng đến đón vợ rất phấn khởi. Tôi chứng kiến chồng đưa con đến đón vợ về không ai là không vui, chồng chảy nước mắt vì quá vui mừng. Mừng vì bệnh viện đã “trả lại” được vợ, mẹ cho đứa nhỏ, nhưng mừng hơn nữa vì viện phí tiền tỷ nhưng không cần phải trả, chồng vừa mếu máo vừa thốt lên “không phải bán nhà, bán ruộng rồi”, bác sĩ Ân kể.

Trung bình một bệnh nhân COVID-19 chạy ECMO tốn từ 1-1,2 tỷ đồng. 

Vì sao viện phí tiền tỷ?

Bác sĩ Ân cho hay, bệnh nhân COVID-19 qua được giai đoạn đầu thì giai đoạn sau (giai đoạn nhiễm trùng) cực kỳ nặng nề.

Giai đoạn đầu tổn thương phổi dẫn đến suy đa cơ quan do virus SARS-CoV-2 biến thể Delta gây ra. Chuyển sang giai đoạn 2, tức các xét nghiệm PCR của bệnh nhân âm tính rồi nhưng hậu quả của tổn thương giai đoạn 1 cộng thêm nhiễm trùng ở giai đoạn 2 làm cho bệnh nặng lên, phổi tổn thương nặng nề, nghiêm trọng.

Do COVID-19 đã nặng rồi bây giờ cộng thêm vi khuẩn nữa, như bệnh nhân Thảo mắc 4-5 loại vi khuẩn kháng kháng sinh nên tốn kém. Tốn kém ở thuốc kháng sinh thế hệ mới rất đắt tiền, các thuốc kháng đông thế hệ mới cực kỳ nhiều tiền. Cộng vào ECMO mới đội chi phí lên”, bác sĩ Ân chia sẻ.  

Đến nay, Bệnh viện Quân y 175 đã chạy 12 ca ECMO, hiện còn 5 ca tại bệnh viện. Nhìn chung kinh phí để chạy ECMO, điều trị cho bệnh nhân COVID rất tốn kém, trung bình trên dưới 1 tỷ hoặc thậm chí từ 1,5 - 2,3 tỷ đồng như bệnh nhân Thảo và Hòa đã xuất viện.

BS Ân cho biết, Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 ở viện Quân y 175 tiếp nhận khoảng 2.000 F0 trong 3 tháng hoạt động thì có đến 70% bệnh nhân nặng và nguy kịch. Tức là họ đã bước sang giai đoạn nhiễm trùng, phổi tổn thương nặng nề phải đặt ECMO và lọc máu.

“Khi đã đặt nội khí quản, thở máy nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện cao lắm, nhiều ca chuyển đến đã nhiễm trùng nặng rồi nên tốn kém lắm", bác sĩ nói. 

Những bệnh nhân này phải sử dụng oxy trị liệu cao cấp như HFNC (liệu pháp oxy lưu lượng cao qua ống thông mũi) chứ không phải thở oxy thường, rồi liệu pháp thở không xâm nhập, lọc máu liên tục, chính tốn kém là rơi vào 70% bệnh nhân nguy kịch này.

“Bệnh nhân nặng phải tốn kém hàng trăm triệu đồng nhiều lần lọc máu. Cứ 1 lần lọc máu hết khoảng 20 triệu, đâu phải 1 lần lọc là xong, ví dụ có ca lọc 5-7 lần, trung bình mỗi bệnh nhân nặng này lọc máu cũng từ 100-150 triệu. Thêm những chi phí khác (thuốc kháng virus, ECMO), dài ngày điều trị lên tiền tỷ”, bác sĩ Ân cho biết.

MAI CÁT

Tin mới