Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Điện thoại phát nổ khi trẻ học online, phòng tránh cách nào?

(VTC News) -

Việc trẻ học trực tuyến bằng điện thoại trong thời gian dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, phụ huynh cần lưu ý gì để tai nạn thương tâm không xảy ra?

Mới đây, một học sinh lớp 5 ở Nghệ An thiệt mạng trong lúc học trực tuyến do điện thoại bất ngờ phát nổ. Sự việc đau lòng này như hồi chuông cảnh báo khiến các bậc phụ huynh, giáo viên và cả học sinh phải chú ý nhiều hơn đến vấn đề an toàn, bởi thời gian học online còn kéo dài do dịch COVID-19.

Kiểm tra thiết bị trước khi học

TS Nguyễn Mạnh Tiến, Trường Đại học Công nghệ cho rằng, trước khi bắt đầu dạy trực tuyến, giáo viên và phụ huynh cần dạy các em về sự nguy hiểm của nguồn điện, không được chạm vào các vật dụng có điện như ổ cắm, dây dẫn và các tác nhân gây chập, cháy, nổ thiết bị học tập, kể cả máy tính, điện thoại.

Theo TS Tiến, việc học trực tuyến sẽ còn kéo dài ở nhiều địa phương, nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện trang bị cho con máy tính để bàn, laptop hay ipad, điện thoại chất lượng cao để sử dụng.

Cắm sạc pin khi học online, một học sinh lớp 5 ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) chết thương tâm do điện thoại phát nổ hôm 14/10. 

Để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra trong quá trình học trực tuyến, cha mẹ, thầy cô nên cảnh báo, nhắc nhở các con tuyệt đối không sử dụng thiết bị khi đang cắm sạc pin.

Thời gian học trực tuyến thường kéo dài vài giờ đồng hồ liên tục, các em nên sạc pin đầy đủ trước khi vào buổi học, thường xuyên kiểm tra thiết bị xem có nóng không. Sau mỗi tiết học sẽ có khoảng 5 phút để chuyển tiết, nên tắt máy để máy bớt nóng và tranh thủ sạc pin.

Trong quá trình học, phụ huynh nên theo sát hoặc hướng dẫn con tắt các phần mềm không cần thiết để tránh tốn pin. Tuyệt đối không vừa sạc pin vừa sử dụng, nếu cần thiết thì các gia đình có thể xin cho tạm dừng buổi học hoặc nhận bài tập để hoàn thiện sau.

Ngoài ra, TS Tiến cũng khuyên phụ huynh, học sinh nên để điện thoại sáng mức độ vừa, sử dụng đèn gia đình chiếu sáng, không nên ở phòng tối và để độ sáng màn hình tối đa. Ánh sáng quá mức vừa ảnh hưởng tới thị lực của trẻ, vừa là nguyên nhân gây hao pin nhanh, nóng máy.

4 không để tránh cháy nổ

Anh Trần Văn Chính, chuyên gia về công nghệ, Tập đoàn FPT chỉ ra 4 điểm cần lưu ý khi sử dụng điện thoại để tránh hiện tượng cháy nổ. Thứ nhất, không sử dụng sạc kém chất lượng, bởi pin thường là nguyên nhân chính gây cháy, nổ điện thoại. Việc sử dụng sạc pin tốt sẽ vừa đảm bảo tuổi thọ của pin vừa tránh nguy cơ máy phát nổ khi sạc. 

Các loại sạc pin chính hãng đều phải đảm bảo tiêu chuẩn chống cháy nổ trước khi được bán ra. Do đó, phụ huynh nên tìm mua sạc và dây sạc chính hãng, không nên ham rẻ mà rước hoạ và thân.

Thứ hai, không để điện thoại quá nóng. Nhiệt độ là kẻ thù của smartphone, đa số các điện thoại hiện nay đều có cơ chế tự tắt khi máy quá nóng.

Nhưng trong một số trường hợp, máy vẫn sẽ phát nổ nếu nhiệt độ lên cao quá đột ngột. Nhiệt độ không chỉ làm ảnh hưởng đến tuổi thọ máy mà còn có thể gây nổ máy. Các gia đình cần hướng dẫn con, khi học online nếu thấy máy quá nóng thì hãy ngừng việc sử dụng trong chốc lát để máy nguội bớt.

Trẻ học trực tuyến tại nhà. (Ảnh minh hoạ: C.H)

Thứ ba, không sử dụng pin kém chất lượng. Nếu điện thoại đã bị chai pin thì phụ huynh nên cẩn thận vì khả năng cháy nổ rất cao nếu sử dụng liên tục nhiều giờ đồng hồ. Pin kém chất lượng thường dễ nóng lên, sử dụng nhanh hết và thậm chí làm cho máy chậm hơn bình thường.

Thứ tư, hạn chế để rơi rớt hay va chạm mạnh. Những va chạm mạnh không chỉ ảnh hưởng đến vẻ ngoài của máy như móp, vỡ màn hình mà đôi khi lực tác động quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến vị trí lắp nối linh kiện bên trong, dẫn đến cháy nổ.

Nếu máy lỡ bị rơi, phụ huynh nên kiểm tra xem máy có bị nóng lên đột ngột hay hoạt động chậm đi không. Nếu có tình trạng trên thì nên mang máy đến trung tâm bảo hành để kiểm tra, sửa chữa.

Minh Khôi

Tin mới