Mức điểm sàn khối ngành Sức khoẻ năm nay được Bộ GD&ĐT giữ ổn định như năm 2020. Mức điểm sàn cụ thể các nhóm ngành này như sau:
Ngành | Điểm sàn | Ngành | Điểm sàn |
Y khoa | 22 | Hộ sinh | 19 |
Răng - Hàm - Mặt | 22 | Kỹ thuật phục hình răng | 19 |
Y học cổ truyền | 21 | Kỹ thuật xét nghiệm y học | 19 |
Dược học | 21 | Kỹ thuật hình ảnh y học | 19 |
Điều dưỡng | 19 | Kỹ thuật phục hồi chức năng | 19 |
Y học dự phòng | 19 |
GS TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh, riêng ngành Y khoa năm nay có hai phương thức xét tuyển độc lập. Vì vậy, một thí sinh có thể đăng ký cả hai phương thức. Ở phương thức nào thí sinh thấy có lợi thế hơn thí ưu tiên nguyện vọng đăng ký để tăng cơ hội trúng tuyển.
GS Tú cho rằng, phổ điểm tổ hợp B00 năm nay thấp hơn so với năm 2020 một chút. Vì vậy, dự đoán điểm chuẩn của Đại học Y Hà Nội thấp hơn trong giới hạn 0,5 điểm tùy các ngành.
Khoảng cách điểm chuẩn giữa các ngành không khác biệt, tương đương năm 2020. Về cơ bản số lượng thí sinh đạt từ 22,5 điểm trở lên ở kỳ thi đợt 1 so với 2020 giảm hơn một chút.
Đối với ngành Y khoa, trong Đề án tuyển sinh của Đại học Y Hà Nội đã nêu rõ, với phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, điểm chuẩn được thấp hơn không quá 3 điểm so với phương thức xét tuyển truyền thống. Tham khảo từ những đại học khác, khả năng điểm chuẩn giữa hai phương thức không có khác biệt lớn, chỉ trên dưới 1 điểm.
Chính vì vậy, những thí sinh từ 28 điểm trở lên mạnh dạn “đặt cược” cửa trên vào ngành Y khoa theo phương thức xét tuyển truyền thống nếu thực sự yêu thích, còn với những thí sinh từ 27 điểm trở lên mà có chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu thì nên nghĩ đến phương thức xét tuyển kết hợp.