Đối với cơ sở đào tạo phía Bắc (BVH), Học viện yêu cầu thí sinh đạt mức điểm từ 22 điểm trở lên, với cơ sở phía Nam thí sinh đạt mức điểm từ 18 điểm trở lên (áp dụng cho 3 tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01).
Điểm sàn Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. (Ảnh minh họa)
Học viện lưu ý, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trên đã bao gồm điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm nay, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông áp dụng 4 phương thức tuyển sinh, với 5.200 chỉ tiêu (so với 4.280 chỉ tiêu năm 2023) cho cả 2 cơ sở. Cụ thể các phương thức tuyển sinh như sau:
Phương thức 1: Xét tuyển tài năng (10% chỉ tiêu).
Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển các thí sinh là thành viên đội tuyển Olympic quốc tế hoặc đoạt giải quốc gia, quốc tế.
Xét tuyển dựa vào hồ sơ năng lực các thí sinh có thành tích đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia (giải khuyến khích), cấp tỉnh (nhất, nhì, ba và khuyến khích), thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển hoặc là học sinh tại các trường THPT chuyên.
Phương thức 2: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 (50% tổng chỉ tiêu).
Phương thức 3: Xét kết hợp một trong các loại chứng chỉ quốc tế (SAT/ACT) hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL) với học bạ THPT (chiếm 25% chỉ tiêu).
Phương thức 4: Xét kết quả trong các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các đơn vị Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức (15% chỉ tiêu).
Học viện dự kiến tuyển sinh đào tạo 22 ngành, chương trình (tăng 3 ngành, chương trình so với năm 2023). Trong đó, trường dự kiến tuyển sinh mới các ngành, chương trình: Ngành Quan hệ công chúng, chương trình Thiết kế và phát triển game, chương trình Công nghệ thông tin Việt - Nhật.
Trường tiếp tục tuyển sinh đào tạo các chương trình chất lượng cao. Cụ thể gồm các chương trình chất lượng cao: Công nghệ thông tin, Marketing số, Kế toán theo chuẩn quốc tế ACCA. Tổng chỉ tiêu dự kiến khoảng 600 chỉ tiêu.