Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Dị nhân' làm bánh

Mong mỏi có một tiệm bánh của đời mình nhưng nghịch cảnh như trò đùa của số phận đã mãi đè nén ước mơ ấy của chàng trai “Mặt sẹo” Ngô Quý Hải.

Cậu đi tìm lý tưởng cho tuổi trẻ bằng chuỗi ngày vật lộn trong đau đớn, trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật trên khuôn mặt, giằng xé cả về thể xác lẫn tinh thần. Bỏ qua mọi con mắt của người đời, Hải quyết chí thực hiện bằng được khát vọng cháy bỏng - làm ra những chiếc bánh để “trả ân tình cho cuộc đời”.

Tai họa không ngờ

Tôi gặp Hải tại tiệm bánh nhỏ, bình yên nằm trong con hẻm dài trên đường Nguyễn Thị Thập, Q.7, TP.HCM. Khác với trí tưởng tượng của tôi về một chàng trai mang đầy mặc cảm và tự ti, Ngô Quý Hải lại thể hiện bằng một tâm thế tự tin và chững chạc. Hải nói rằng, cậu đã chai sạn với lời chê bai, giễu cợt của người đời, bởi cậu đã nếm trải đủ dư vị của những thứ đó trong suốt quãng đời tuổi thơ và thanh xuân của mình.

Bây giờ, Hải đã vượt qua chính mình, chiến thắng được rào cản về ngoại hình dị biệt, anh trở thành thợ bánh chuyên nghiệp, với niềm đam mê và khát vọng cháy bỏng khởi nghiệp từ những chiếc bánh.

Để có một Ngô Quý Hải dạn dày sương gió như hôm nay, anh thương về quá khứ, để hiểu và trân trọng hơn những gì mình đang có. Bởi đó còn là nguồn năng lượng tích cực, giúp cậu vững bước trên đường đời, nhắc nhở Hải rằng, không có hôm qua thì không thể có hôm nay và ngày mai.

Bộ ba làm bánh của tiệm Hướng Dương.

Ngô Quý Hải (28 tuổi, trú tại xã Diên Bình, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) sinh ra vốn lành lặn, nhưng khi cậu được 6 tháng tuổi thì không may bị ngã vào bếp lửa đang cháy đỏ rực. Sau tai nạn đó, vùng mặt của Hải bị bỏng nặng.

Vết thương khiến cậu đau đớn, khóc suốt ngày đêm. Bố mẹ Hải phải vay tiền khắp nơi để đưa Hải vào Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM chữa trị. Ròng rã 2 năm trời, trải qua 10 lần phẫu thuật, khuôn mặt Hải vẫn chịu nhiều di chứng, chằng chịt vết sẹo và những khối thịt thừa nhăn nhúm, bện chặt vào da, chảy xệ xuống cằm và cổ.

Tuổi thơ của Hải là chuỗi ngày khổ sở, đau đớn bởi vết thương quá nặng. Cậu không thể tự do chạy nhảy hay đi chơi cùng đám bạn trong làng. Nhưng, điều đó chưa phải là nỗi khủng khiếp “áp bức” tinh thần của cậu bé. Chỉ đến khi Hải bước chân tới trường, sự kỳ thị và dè bỉu của bạn bè “ám” vào khuôn mặt sẹo khiến cậu chỉ biết cúi đầu khóc và bất lực trước “dung nhan” của mình.

Sau 4 tháng đi học, vì không chịu nổi những lời miệt thị của bạn bè, Hải đòi nghỉ học. Thương con, bố mẹ đã chấp nhận cho cậu ở nhà. Từ đó, cuộc đời Hải là những tháng ngày thu mình trong gian phòng nhỏ, chỉ biết làm bạn với mấy con cún và đàn gà mẹ nuôi. Lớn hơn một chút, Hải phụ bố mẹ bán hàng, nhưng hình hài của cậu xuất hiện cũng khiến người mua ái ngại. Người thương xót, người cảm thông nhưng cũng có người tránh né.

Không ai chơi cùng cậu bé mặt sẹo, Hải lầm lũi đến tội nghiệp. Về sau, Hải có quen một người bạn câm điếc gần nhà tên là Xiên. Cùng cảnh ngộ, cùng những thiệt thòi về tuổi thơ, hai đứa sớm thân thiết với nhau như hình với bóng, cùng nhau chơi đùa trong những ngày tháng rộng dài nơi buôn làng buồn tủi.

Họ luôn làm việc chăm chỉ và chỉn chu cho mỗi đơn hàng.

Năm lên 10 tuổi, Hải và Xiên được người cô đưa xuống TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum chơi. Đó là lần đầu tiên ra phố của hai đứa trẻ. Chúng thích thú nhìn ngắm mọi thứ, trong đó dừng lại ở một tiệm bánh ngọt sang trọng, có nhiều bánh kem đủ màu sắc. Hải và Xiên bàn với nhau sẽ tích góp tiền để quay trở lại tiệm đó mua bánh vào đúng sinh nhật của Xiên.

Trở về nhà, Hải luôn đau đáu lời hứa với bạn mình. Hễ có đồng nào là Hải để dành, tích góp để hoàn thành dự định đầu đời của mình. Ngày vui cũng đến, khi Hải và Xiên đã dành dụm đủ tiền nhưng hai đứa trẻ như bị dội gáo nước lạnh vào đầu khi nhân viên bán bánh từ chối bán cho chúng, cô ấy đuổi hai đứa ra ngoài một cách lạnh lùng và nghiêm túc.

Xiên khóc rất nhiều, còn Hải thì không. Cậu chỉ có chút buồn bã thôi, chứ không sốc như Xiên, bởi ngay từ nhỏ Hải đã chịu đựng quen những lời mắng nhiếc hoặc khinh khi của thiên hạ. Với Hải, điều đó chính là động lực thôi thúc ước mơ mở một tiệm bánh ngay trên mảnh đồi quê hương Đắk Tô.

Mang ước mơ trong mình nhưng Hải biết thực hiện được là điều vô cùng khó khăn. Càng lớn, Hải càng cảm thấy cô độc, không thể vượt qua mặc cảm với khuôn mặt sẹo của mình.

Năm 15 tuổi, Hải bắt đầu nghĩ về tương lai. Cậu mạnh dạn bước ra khỏi nhà, đi tìm chỗ học nghề nhưng không nơi nào nhận vì những lý do như: Không biết chữ, ngoại hình xấu xí hay không đủ sức khỏe. Đã có khoảng thời gian hơn 2 năm, cậu không bước chân ra khỏi nhà, thả trôi và buông xuôi mặc kệ số phận.

Năm 2016, bước vào tuổi 22 tuổi, Hải được một tổ chức từ thiện tài trợ sang Đức phẫu thuật tái tạo khuôn mặt và điều trị trong vòng 6 tháng. Đây là cơ hội ngàn năm có một với Hải nên cậu quyết tâm phải đi. Ở một nơi cách xa vạn dặm, không có người thân bên cạnh, Hải được đùm bọc và yêu thương bởi những người Đức gốc Việt và được sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ ở đây.

6 tháng điều trị ở Đức là quãng thời gian mà Hải không thể nào quên được. Sau ca phẫu thuật đầu tiên, cậu hôn mê 21 ngày. Khi tỉnh dậy, Hải nhận được nhiều tình cảm của mọi người, nhờ đó mà cậu không còn cảm giác bị xa lánh, kỳ thị. Cậu chợt nhận ra rằng, cuộc sống này còn rất nhiều điều tươi đẹp ở phía trước.

Hải có một tình yêu nồng nàn với các loại bánh.

Làm bánh để trả ơn cuộc đời

Kết thúc đợt điều trị, khuôn mặt của Hải đã được tách ra khỏi phần da ngực, các cục thịt thừa cũng đã lọc bớt, phần da nhăn và xệ được sắp xếp lại, gọn gàng hơn trên khuôn mặt.

Hải tự tin trở về Việt Nam, nơi cậu luôn đau đáu với ước mơ có một tiệm bánh của riêng mình, ở đó sẵn sàng tiếp đón tất cả những vị khách dù nghèo khổ hay vẻ bề ngoài trông như thế nào đi nữa. Hải muốn trả nợ những ân tình mà cuộc đời dành cho cậu.

Đầu tiên, Hải đăng ký học nghề bếp trong một trung tâm ở Hà Nội. Hải không chỉ là người có ngoại hình khác biệt nhất so với những bạn trong lớp mà còn là người có xuất phát điểm thấp nhất vì không biết chữ. Buổi học đầu tiên ở trường nghề, trong khi những người bạn cùng lớp chép được 2 trang vở, Hải chỉ viết được 2 dòng với những chữ cái đơn.

Sau gần 2 tháng, với những đêm thức tới 2 giờ tập viết, Hải đã có thể viết thành thạo. Ở trường nghề, lần đầu tiên trong đời Hải được tiếp xúc với nhiều người và có nhiều bạn bè. Họ khoác vai lúc chụp hình lưu niệm, Hải thấy mình không lạc lõng, cô độc như ngày xưa nữa. “Mỗi người ở trường nghề đều có một hoàn cảnh khó khăn riêng, chúng mình coi nhau như anh em và mình không còn thấy khác biệt”, Hải tâm sự.

Đầu năm 2021, Ngô Quý Hải trở về quê hương Đắk Tô mở một tiệm cà phê với những loại bánh, trà sữa của cậu là món quà dành tặng cho những trẻ em vùng núi. Hải mong những đứa trẻ như mình ngày xưa sẽ không phải đi rất xa ra phố mới thấy và mua được những chiếc bánh xinh xắn.

Chàng trai đứng quán cả ngày, vui vẻ giao tiếp với khách hàng mà không còn chút tự ti nào. Thấy những đứa trẻ lang thang, bán vé số, cậu thường gọi chúng vào và tặng một chiếc bánh.

Tuy nhiên, không ít lần vài vị khách khi vừa bước vào tiệm, trông thấy Hải, họ lại vội bỏ đi khiến cậu hụt hẫng. Hải chia sẻ: "Tôi chỉ buồn vài giây ngay lúc đó rồi thôi. Tiệm bánh là cả tuổi thơ, thanh xuân cố gắng của mình. Không phải hiện tại khổ đau hay quá khứ có dấu ấn không thể lãng quên, phai mờ mà nhớ về ngày hôm qua trong bình thản suy tư, chiêm nghiệm, dù vui hay buồn, hạnh phúc hay khổ đau, với tôi đó chính là lúc đã thực sự trưởng thành.

Tôi biết ơn gió Lào, nắng lửa và bão dông xứ Đắk Tô dạy tôi biết chịu đựng, biết chấp nhận và vươn lên giữa cuộc đời nhiều bất trắc. Mỗi khi nhớ về ngày đã qua, tôi lại có thêm niềm tin và nghị lực để vượt qua khó khăn trở ngại, sống yêu thương và thanh thản hơn”.

Hải không ngừng học hỏi để làm ra nhiều loại bánh ngon và chất lượng.

Giấc mơ có một tiệm bánh nho nhỏ trên vùng đồi Tây Nguyên xinh đẹp đã thành hiện thực, nhưng nó cũng chỉ duy trì được hơn 1 năm.

Thời điểm Hải mở tiệm giữa lúc dịch bệnh COVID-19 khốc liệt, việc buôn bán gần như đóng băng. Khi mở cửa thì lượng khách cũng không nhiều, bởi dân vùng núi không quen ăn bánh, trẻ em thỉnh thoảng mới có tiền đi mua. Tình thế này buộc Hải phải đóng cửa.

Hải xuống TP.HCM tham gia khóa học làm bánh nâng cao. Tại đây, Hải gặp được thầy giáo Nguyễn Văn Nam, 28 tuổi. Thầy trò sớm có thiện cảm với nhau, Nam nhìn ra trong Hải có đầy đủ sự tự tin và tinh thần vượt khó vươn lên đáng ngưỡng mộ.

Sau một thời gian, cả hai quyết định mở một tiệm bánh tại TP.HCM và rủ thêm cô bé Thanh Trúc tham gia. Tiệm bánh mang tên Hướng Dương, loài hoa mang sức sống mãnh liệt, trường tồn, luôn hướng về phía trước và vươn lên trong cuộc sống dù ở hoàn cảnh nào vẫn hướng về ánh sáng mặt trời. Hướng Dương còn tượng trưng cho tình bạn chân thành, tin tưởng, đoàn kết và kiên định trong công việc, đây chính là xuất phát điểm cho đội ngũ tiệm bánh hiện nay.

Bánh ngọt chính là cây cầu kết nối 3 người bạn với 3 tính cách, độ tuổi và suy nghĩ khác nhau nhưng chung một ước mơ hợp tác cùng nhau.

Hải - chàng trai đầy bản lĩnh, nghị lực lớn lên với tuổi thơ nhiều cay đắng. Nam - thầy giáo dạy bánh với 10 năm kinh nghiệm cũng chính là người tạo nên cơ duyên kết nối mọi người lại với nhau và Trúc - nhỏ tuổi nhất team, cô em gái siêng năng với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ mang theo tình yêu vô tận dành cho bánh.

Khởi nghiệp ở một thành phố hoa lệ, nơi cuộc sống náo nhiệt sẽ giúp Hải có thêm vốn sống để đương đầu với sóng gió cuộc đời. Mỗi ngày có một vài đơn hàng, Hải cùng nhóm sẽ tỉ mẩn làm, chỉn chu vào từng đường nét. Để tiết kiệm chi phí, Hải sẽ kiêm vai trò shipper.

Hải cho biết, ở đây mọi người nhìn cậu bằng ánh mắt thương cảm nhiều hơn kỳ thị, họ đón nhận những chiếc bánh của dị nhân Ngô Quý Hải với thái độ yêu thương và trân trọng.

Nguồn: Báo Công an Nhân dân

Tin mới