Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi hơn 40 năm 'giữ hồn' Trung thu xưa

(VTC News) -

Hơn 40 năm qua, nghệ nhân Vũ Huy Đông (Hưng Yên) miệt mài gìn giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi Trung thu truyền thống cho trẻ em của quê hương.

 Vợ chồng nghệ nhân Vũ Huy Đông sơn màu những chiếc mặt nạ giấy bồi cho chuyến hàng Tết Trung thu. 

Kỳ công món đồ chơi truyền thống

Làng Ông Hảo (hay làng Hảo) nằm ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, là ngôi làng làm đồ chơi Trung thu truyền thống. Tại đây, những người nghệ nhân hàng ngày cần mẫn sản xuất ra những chiếc trống, mặt nạ giấy bồi hình mặt Tễu, Tôn Ngộ Không... với rất nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ.

Chúng tôi tới thăm nhà nghệ nhân Vũ Huy Đông, một trong những hộ gia đình còn gắn bó với nghề làm đồ chơi truyền thống qua nhiều thế hệ. Trong khoảng sân rộng khoảng 40m2, vợ chồng ông Vũ Huy Đông đang hoàn thiện hàng trăm chiếc mặt nạ giấy bồi để kịp giao hàng cho các đại lý dịp Trung thu năm nay.

“Gia đình tôi vốn đã làm nghề này khoảng 40 năm, từ thời bố của tôi rồi truyền sang cho tôi. Bây giờ thì có thêm vợ, con trai và cháu của tôi làm cùng”, ông Đông hồ hởi chia sẻ.

Những chiếc mặt nạ giấy bồi hình thù ngộ nghĩnh.

Nói về công đoạn làm mặt nạ giấy bồi, người nghệ nhân giàu kinh nghiệm cho rằng đó là công việc không quá khó nhưng đòi hỏi người làm cần phải khéo léo, tỉ mỉ. Để hoàn thiện 1 chiếc mặt nạ, ông Đông phải thực hiện qua 3 công đoạn: bồi thô, sơn vẽ và hoàn thiện đóng gói.

Mặt nạ được tạo hình bằng cách bồi giấy bìa, giấy trắng lên khuôn xi măng đúc sẵn, sử dụng hồ bột sắn để kết dính các lớp giấy. Sau khi phơi khô, mặt nạ giấy trắng được người thợ sơn, vẽ tay, thổi hồn trở thành những hình thù ngộ nghĩnh.

Trong đó, khâu bồi thô do người thợ khác được ông Đông thuê đảm nhiệm, phải đảm bảo bồi sát khuôn, nhẵn thì vẽ mới đẹp. Khâu quan trọng nhất và khó nhất là khâu vẽ tạo hình.

Cận cảnh nét vẽ của nghệ nhân Vũ Huy Đông trên mặt nạ giấy bồi.

Khâu vẽ phải là khâu cuối cùng, mà phải người nào có chuyên môn được mới được vẽ. Vì vẽ phải thể hiện được hồn của con vật, hồn của con người. Ví dụ vẽ Tễu nữ khác là có cái khăn vấn, còn Tễu nam không có khăn vấn thì phải có râu. Mỗi con người, con vật khi vẽ đều phải thể hiện rõ hồn nên đó là cái khó nhất”, người nghệ nhân chia sẻ.

Trong khoảng sân nhỏ trước hiên nhà, vợ chồng ông Đông cặm cụi sơn mặt nạ giấy bồi thô, tỉ mẩn trong từng nét vẽ, cứ thế mà họ mang đến niềm vui cho thiếu nhi suốt nhiều năm qua. Ở tuổi xế chiều, thay vì chọn nghỉ ngơi, ông bà vẫn giữ mãi ngọn lửa đam mê với nghề truyền thống.

Để tạo ra một chiếc mặt nạ không quá khó nhưng đòi hỏi người làm cần phải khéo léo, tỉ mỉ.

Mỗi dịp Trung thu cận kề, hàng nghìn chiếc mặt nạ từ nhà ông bà lại được giao cho các đại lý bán hàng. Nhiều người còn tìm đến tận nhà hỏi mua buôn với số lượng lớn.

Ngoài ra, ông Đông còn hợp tác với các đoàn du lịch khách nước ngoài đến từ các nước như Pháp, Mỹ... để giới thiệu nét đẹp văn hoá truyền thống tới nhiều du khách.

Ở đây khách có thể tham gia trải nghiệm việc xoa hồ bột sắn vào giấy cho vào khuôn hoặc tự vẽ, sáng tạo những chiếc mặt nạ theo sở thích riêng của mình”, ông Đông cho biết.

Vì vậy, mặt nạ giấy bồi của ông Đông đã được quảng bá trên một số trang web du lịch phổ biến của nước ngoài. Nơi đây không chỉ là cơ sở sản xuất đồ chơi Trung thu truyền thống mà còn là điểm đón khách du lịch tứ phương về tham quan, trải nghiệm nét văn hoá Việt lâu đời.

Những chiếc mặt nạ giấy bồi hình chú tễu ngộ nghĩnh.

Cách tân mẫu mã hợp thời

Mặc dù chứa đựng những giá trị sâu sắc nhưng đến nay nghề làm mặt nạ giấy bồi rất ít người làm, gia đình nghệ nhân Vũ Huy Đông là một trong những hộ ít ỏi còn bám trụ với nghề.

Ngày trước, mỗi dịp Trung thu cận kề, mặt nạ giấy bồi là món đồ chơi không thể thiếu của trẻ con. Tuy nhiên, khi có nhiều sự lựa chọn hơn với mặt nạ nhựa, đồ chơi công nghệ, mặt nạ giấy bồi “kén” người mua hơn. Tuy biết rằng mặt nạ giấy bồi khó có thể cạnh tranh với những món đồ chơi bằng nhựa hiện đại nhưng ông Đông vẫn kiên trì, bám trụ với nghề.

Nói chung bây giờ là đồ chơi của Trung Quốc, nước ngoài tràn ngập vào Việt Nam rất nhiều. Nhưng đồ chơi nhà tôi vẫn giữ được tại vì nó mang tính chất truyền thống dân tộc, là đồ chơi dân gian Việt Nam”, ông Đông nói.

Những chiếc mặt nạ thành phẩm được gia đình nghệ nhân Vũ Huy Đông treo trưng bày.

Trải qua thời gian, có những giai đoạn nghề của ông bà thực sự lao đao khi đồ chơi Trung Quốc xuất hiện tràn ngập thị trường khiến mặt nạ giấy bồi không thể bán được. “Các đồ chơi Trung Quốc như gươm, kiếm, mặt nạ phù thuỷ,… vừa bạo lực lại không an toàn. Đồ chơi dân gian Việt Nam này nó rất là thuần tuý đi vào tâm hồn của người Việt nên nhiều người lại tìm về món mặt nạ giấy bồi truyền thống nhà tôi”, người nghệ nhân hào hứng nói.

Đồ chơi truyền thống có lợi thế cạnh tranh khi được làm hoàn toàn thủ công nên chứa đựng sự tỉ mỉ của đôi tay con người, lại không cần đầu tư máy móc giúp giá thành rẻ hơn hẳn so với đồ chơi hiện đại. Hạn chế duy nhất của đồ chơi truyền thống chỉ là sự nghèo nàn về hình thức.

Ông Đông cho biết: “Nói về mặt nạ truyền thống của dân tộc, nếu mà muốn phát triển trong tương lai, người làm nghề phải luôn luôn sáng tạo những cái mặt nạ nào phù hợp so với từng thời gian và từng tâm lý của lứa tuổi. Bản thân gia đình cũng phải luôn luôn tìm tòi, sáng tạo những mẫu mã để làm sao cho phù hợp hơn, phát triển hơn".

Để cách tân sản phẩm làng nghề, nâng cao sức cạnh tranh, ông Đông bắt đầu với việc cách tân mẫu mã sản phẩm. Không chỉ dừng ở việc sản xuất mặt nạ truyền thống với những tạo hình quen mắt như Tôn Ngộ Không, Chú Tễu, Chí Phèo, ông Đông còn sản xuất mẫu mặt nạ 12 con giáp. Đồng thời, ông học hỏi các thiết kế mặt nạ mới được nhiều người ưa chuộng trên internet, qua đó vừa đa dạng hóa sản phẩm, vừa phục vụ đúng nhu cầu sở thích cá nhân của từng khách hàng. 

Để cách tân sản phẩm làng nghề, nâng cao sức cạnh tranh, ông Đông bắt đầu với việc cách tân mẫu mã sản phẩm.

Duy trì nghề truyền thống để không bị mai một, đó là điều không chỉ gia đình nghệ nhân Vũ Huy Đông mà những nghệ nhân ở khắp các làng nghề trên cả nước đều mong mỏi. Đối với họ, việc giữ được nghề không chỉ cho gia đình mình, mà còn giữ gìn những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc, để những giá trị và ý nghĩa của chúng không bị lãng quên, luôn là một phần trong Trung thu của trẻ em Việt Nam.

Yến Nhi

Tin mới