Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đi khám gout, bệnh nhân bất ngờ phát hiện bị sán lá gan

Bị gout cấp và đang uống thuốc điều trị, nam bệnh nhân ở Hà Nội bất ngờ phát hiện mình bị sán lá gan.

Mới đây, bệnh nhân V.Đ.K (37 tuổi, ở Hà Nội) bị gout cấp đang uống thuốc điều trị, sau khi đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec kiểm tra định kỳ.

Qua hình ảnh siêu âm, PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, chuyên khoa Gan mật phát hiện tổn thương gan ở phân thùy VIII của bệnh nhân do sán lá gan. Kết quả xét nghiệm cho thấy có một số chỉ số bất thường. Cụ thể, tỷ lệ bạch cầu ái toan là 51%, tăng rất cao (bình thường từ 2-11%).

Xét nghiệm máu tìm sán lá gan lớn bằng phản ứng ELISA cho kết quả kháng thể IgG là dương tính. Điều đáng nói bệnh nhân không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào trước đó.

 PGS.TS Trịnh Thị Ngọc đang thăm khám cho một bệnh nhân. (Ảnh: BVCC)

Theo lời kể, bệnh nhân V.Đ.K có ăn rau sống vài lần nhưng ít, bệnh nhân không đau mạn sườn phải và không sốt.

Từ kết quả chẩn đoán mắc bệnh sán lá gan lớn, các bác sĩ đã có những biện pháp can thiệp kịp thời, góp phần rút ngắn thời gian và mang lại hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

PGS Ngọc cho biết người bị nhiễm bệnh sán thường có thói quen ăn sống các loại rau thủy sinh (rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong...), các đồ chưa nấu chín như gỏi, tiết canh, hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán. Từ đó, sán đi vào cơ thể theo đường tiêu hóa và khu trú thường là ở gan tạo nên các ổ áp-xe gan.

Thói quen ăn đồ tái, rau sống của người dân Việt Nam đã làm gia tăng số người nhiễm sán lá gan lớn. Vì vậy, để phòng bệnh, PGS.TS Trịnh Thị Ngọc khuyên người dân không thức ăn tái, rau sống, uống nước chưa đun sôi. Bên cạnh đó, việc vệ sinh phòng bệnh cũng cần được chú ý, định kỳ tẩy giun 6 tháng một lần, không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế bừa bãi xuống các nguồn nước.

Nguồn: Zing.vn

Tin mới