Trước trận gặp Hải Phòng ở vòng 3 V-League, HLV Chung Hae Seong nói về động lực của CLB TP.HCM. Bên cạnh mục tiêu có điểm, còn là "cố gắng để người hâm mộ thấy bóng đá TP.HCM là như thế nào". Sau 90 phút, CLB TP.HCM đá nhạt sắc, hòa 0-0. Đội bóng đã chơi trên cơ họ hôm ấy là Hải Phòng vừa thua Becamex Bình Dương năm bàn không gỡ.
Đấy cũng là trận hòa 0-0 thứ hai liên tiếp của CLB TP.HCM. Sau COVID-19, họ là đội hiếm hoi còn lại ở V-League vẫn chưa có bàn thắng nào trên các mặt trận. Đội bóng của Chung Hae Seong cũng chưa thể hiện được nét đặc sắc trong lối chơi. Hầu hết đều dồn bóng cho Phi Sơn, hoặc tạt vào cho hai ngoại binh xử lý. Cách chơi đơn giản đó không làm khó được những đội khá ở V-League. Mùa giải này với CLB TP.HCM, vì thế, sẽ khó khăn hơn nhiều.
CLB TP.HCM (áo đỏ) không thắng 2 trận gần nhất.
Nếu bộ mặt bóng đá TP.HCM được thể hiện bằng màn trình diễn của Phi Sơn cùng đồng đội, e rằng họ còn phải cố nhiều. Trận gặp Hải Phòng ở Lạch Tray của CLB TP.HCM chỉ thu hút lượng khán giả lấp đầy 2/3 sân, trong đó số CĐV của CLB TP.HCM, ngồi riêng một khán đài, chưa bằng số ngón tay của hai bàn tay.
Nhìn những sân bóng đầy ắp khi Hà Nội FC, HAGL thi đấu, CLB TP.HCM khó tránh cảm giác ghen tỵ. Đội bóng của Chung Hae Seong có thành tích, có 6 cầu thủ đá chính đang, hoặc đã từng khoác áo các cấp độ đội tuyển, tại sao vẫn ít CĐV? Câu trả lời dường như nằm ở bộ nhận diện.
Nếu HAGL có sức trẻ và triết lý cống hiến (dù chưa đi tới đâu), còn Hà Nội FC đá vừa đẹp, vừa nhiều danh hiệu, CLB TP.HCM vẫn đi tìm nét đặc trưng riêng trong cõi nửa vời.
Khó trách CLB TP.HCM. Đội bóng non trẻ này mới lên V-League từ mùa 2017. Khi Quyền Chủ tịch Lê Công Vinh "nhận vơ" danh hiệu của Cảng Sài Gòn vào phòng truyền thống, anh bị chỉ trích, bởi không ai nhìn nhận CLB TP.HCM là "hậu duệ" của những tượng đài quá vãng.
Cảng Sài Gòn từng có sự phục vụ của những "sao số" như Minh Phương, Hoàng Bửu hay huyền thoại Phạm Huỳnh Tam Lang, và chiến đấu với tinh thần đậm đặc TP.HCM. Khi cái tên Cảng Sài Gòn bị xóa sổ, không ít đội bóng xuất hiện, rồi biến mất trên bản đồ như Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành, Sài Gòn United,...
Sài Gòn Xuân Thành của bầu Thụy như vì sao sớm nổi, chóng tàn.
CLB TP.HCM không có lỗi trong mê cung niềm tin của người hâm mộ thành phố, nhưng cái thờ ơ ấy, họ là nạn nhân gánh chịu. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng khẳng định CLB TP.HCM là đội bóng của nhân dân thành phố, của người hâm mộ. Song để CLB TP.HCM được yêu mến, đó không phải chuyện ngày một ngày hai.
CLB TP.HCM chưa có cá tính của bóng đá thành phố, Sài Gòn FC cũng vậy. Đội bóng áo hồng bị xem là "con ghẻ", với lực lượng chuyển vào của CLB bóng đá Hà Nội, đội sân sau của Hà Nội FC.
4 mùa giải vừa qua, có tới 2 mùa Sài Gòn FC nằm trong top 5, có lối chơi tương đối cởi mở, dễ xem so với nhiều đội V-League. Dù vậy, Sài Gòn FC vẫn là đứa con lạc lõng từ Hà Nội đẩy vào. Cách làm hình ảnh tương đối chuyên nghiệp dưới thời cựu chủ tịch Nguyễn Giang Đông chỉ là xúc tác cần.
Muốn thách thức các giá trị truyền thống, bản thân CLB phải có sức bật khủng khiếp, như một hiệu ứng chẳng hạn. Những khán đài đông kín người khi tuyển Việt Nam thi đấu ở Thống Nhất cho thấy người hâm mộ thành phố vẫn yêu bóng đá. Nhưng Sài Gòn FC, hay chính CLB TP.HCM, lại chưa phải sản phẩm đủ tốt để phần đa thưởng thức.
Họ có cái mác thành phố từ cách gọi, không dính dáng tên nhà tài trợ, song chưa có cái hồn của bóng đá TP.HCM thuở nào.
Sài Gòn FC cần thêm thời gian để được đón nhận.
"Derby" là cách gọi phổ biến của trận đấu giữa hai đội cùng thành phố. Cuộc so tài giữa CLB TP.HCM và Sài Gòn FC tối nay đúng là derby, nhưng chỉ trên danh nghĩa. Giữa hai đội không có sự cay cú như Arsenal và Tottenham, quán cafe ở khu vực đội này sẵn sàng cấm cổ động viên đội kia đến uống, không có thù địch trường cửu như Liverpool và Everton, cũng chẳng nhuốm màu tranh đấu như derby Milano giữa Inter và Milan.
Bóng đá Việt Nam thiếu những trận derby đúng nghĩa. Bóng đá TP.HCM càng thiếu. Khi Sài Gòn FC chuyển khẩu, CLB TP.HCM còn ở hạng Nhất. Đối đầu giữa hai đội mới diễn ra trong 2 mùa gần đây, và mối liên hệ hiếm hoi giữa hai đội là tiền vệ Văn Thuận.
Không có tính cạnh tranh, chiến đấu giữa những trận "derby" trên giấy tờ suốt 4 trận đã qua. CLB TP.HCM và Sài Gòn FC cứ như nước sông không phạm nước giếng.
Thời thế hôm nay phải khác. Đã đến lúc hay đội nhìn vào nhau như những trở ngại để chiếm tình yêu của người hâm mộ. Một núi không thể có hai hổ. Khi CLB TP.HCM và Sài Gòn FC tạo được trận derby bản sắc, máu lửa, họ mới có hy vọng tìm thấy thiện cảm từ khán giả.