Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters hôm 28/7 cho biết: “New Zealand không thể tin tưởng rằng hệ thống tư pháp hình sự Hong Kong độc lập hoàn toàn với Trung Quốc. Trong tương lai nếu Bắc Kinh thể hiện sự tuân thủ ‘một quốc gia, hai chế độ’ thì chúng ta có thể xem xét lại quyết định này”.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Winston Peters cho biết New Zealand cũng thay đổi cách kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng nhạy cảm như công nghệ quân sự hoặc hàng hóa "ứng dụng kép" sang Hong Hong. Theo đó, những mặt hàng này sẽ bị đối xử như xuất đến Trung Quốc.
Ngoài ra, New Zealand cũng nâng khuyến cáo đi lại để cảnh báo người dân về những rủi ro do luật an ninh mới mà Trung Quốc vừa áp đặt lên Hong Kong.
Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters. (Ảnh: AP)
Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại New Zealand cảnh báo công dân có nguy cơ bị bắt và truy tố vì một loạt hoạt động và người bị bắt có thể bị đưa sang Trung Quốc đại lục. Hình phạt tối đa theo luật an ninh Hong Kong là tù chung thân.
New Zealand và Hong Kong ký kết hiệp ước dẫn độ ngày 28/8/1998. Nội dung hiệp định này cho phép dẫn độ nghi phạm bị cáo buộc tội giết người, hỗ trợ hoặc xúi giục tự sát, tấn công gây thương tích, bắt cóc, tấn công tình dục, buôn bán ma túy…
Trước New Zealand, các nước khác như Mỹ, Canada, Australia và Anh, đã dừng hiệp ước với Hong Kong sau khi Trung Quốc ban hành luật an ninh mới.
Sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong, Mỹ và nước châu Âu chỉ trích, gọi đây là sự hủy hoại tự chủ, tự do của Hong Kong và làm suy yếu nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định luật an ninh mới chỉ nhắm đến một nhóm đối tượng nhỏ, trong khi quyền lợi, tự do của người Hong Kong cũng như lợi ích các nhà đầu tư nước ngoài vẫn được đảm bảo.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand, với giao dịch hai chiều những năm gần đây vượt quá 21 tỉ USD. Mối quan hệ của New Zealand với Trung Quốc gần đây trở nên xấu đi sau khi quốc gia Thái Bình Dương ủng hộ sự tham gia của Đài Loan tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).