Ngày 5/11/2019 tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý về Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Bộ môn Kinh tế năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm đề án cho hay, để thực hiện đề án, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu kinh nghiệm định giá điện của các nước đang phát triển như Malaysia, Thái Lan và các nước phát triển như Pháp, Hàn Quốc, Australia. Qua đó, rút ra những kinh nghiệm cho Việt Nam.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Bộ môn Kinh tế năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm đề án.
Tại hội thảo, các chuyên gia tư vấn đề xuất nên công khai chu kỳ điều chỉnh giá điện. Thời điểm điều chỉnh nên lựa chọn theo mùa, đồng thời tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biến về sản lượng. Kỳ đề xuất điều chỉnh là 1/3 và 1/9 hằng năm. Bên cạnh đó, có phương án điều chỉnh bất thường khi có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất và mua điện.
Đồng tình với quan điểm này, GS.VS.TSKH Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - chia sẻ, ông rất tâm đắc với đề xuất cần phải Luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện. Thị trường thay đổi hằng ngày, do đó, giá điện cũng cần phải có quy luật thay đổi để tiệm cận được với thị trường. Hiện nay, ở Thái Lan, cũng quy định điều chỉnh giá điện 3 lần/năm.
Việc tính toán mức giá điều chỉnh thực hiện theo biến đổi theo tỉ giá, nguyên liệu đầu vào…
Ông Trần Văn Bình - Giảng viên cao cấp, Viện kinh tế và quản lý của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - cũng phân tích, đặc thù của ngành Điện là giá thành biến động giữa các năm. Ví dụ, khi mưa nhiều, huy động thủy điện cao thì giá điện sẽ giảm và ngược lại. Tuy nhiên, những năm qua, thời gian điều chỉnh giá điện thưa (khoảng 2 năm/lần), nên mỗi lần điều chỉnh thường gây “sốc” cho xã hội. Do đó, nên Luật hóa quy định điều chỉnh giá điện 2 lần/năm.
Giá điện được đề xuất điều chỉnh 2 lần/năm. (Ảnh minh họa: EVN)
Nhóm tư vấn cũng đưa ra các phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện cho 4 hộ sử dụng điện: Sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt. Trong đó, với hộ sinh hoạt, đề án đưa ra 3 phương án gồm: Cơ cấu biểu giá bậc thang 5 bậc, 4 bậc và 3 bậc. Ở mỗi phương án, tư vấn phân tích, đánh giá tác động cụ thể đối với các hộ tiêu dùng.
Cả 3 phương án được cho là đều không gây tác động nhiều đến hộ tiêu dùng, xã hội và doanh thu của EVN sẽ giảm nhẹ. Trong đó, phương án 5 bậc phù hợp với các đặc thù sử dụng điện của Việt Nam hiện nay cũng như mức thu nhập của từng nhóm đối tượng.
Theo ông Trần Văn Bình, việc tính toán giá điện cũng cần phải tính đến mức phí khuyến khích năng lượng tái tạo. Thời gian qua, điện mặt trời tạo nên cơn sốt, bởi Chính phủ khuyến khích với mức giá mua điện 9,5 cents (hơn 2.000 đồng/kWh); trong khi đó, giá bán điện trung bình chỉ khoảng 1.700 đồng/kWh. Nếu đứng ở góc độ kinh doanh, EVN càng mua càng lỗ.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa – Nguyên Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính), sử dụng càng nhiều càng phải trả giá cao hơn thực chất là logic kinh tế đi từ đặc trưng của hệ thống điện.
Ông Thỏa phân tích, điện là loại tài nguyên được chuyển hóa từ nhiều loại tài nguyên không tái tạo sang, mà các loại tài nguyên này không phải là vô tận, thậm chí có loại đang cạn kiệt dần (dầu, than, khí đốt tự nhiên…) dẫn đến điện không phải là nguồn tài nguyên vô tận mà sử dụng lãng phí. Do đó, điều này cần được nhấn mạnh hơn nữa, mới giải đáp được những quan điểm phê phán cách định giá điện hiện nay cho rằng, giá điện của chúng ta đang đi ngược với nguyên tắc của cơ chế thị trường: “Lẽ ra càng mua nhiều thì giá càng rẻ, nhưng điện càng mua nhiều càng đắt”, và cũng chính điều này mới làm rõ cho công luận hiểu vì sao lại không quy định giá điện sinh hoạt đồng giá như nhiều ý kiến đặt ra..
Sau buổi hội thảo, đơn vị tư vấn xây dựng nội dung Đề án sẽ tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia phản biện và các ý kiến khác tại Hội thảo để hoàn thiện, tiến tới trình báo cáo Bộ Công Thương xem xét.