Trần Nam (quê Phú Thọ), sinh viên năm 2 ngành Kinh tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân lo lắng trước đề xuất giới hạn thời gian làm thêm 20 giờ/tuần của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
"Với mức học phí ngày càng tăng, chi phí sinh hoạt ở Hà Nội lại đắt đỏ, làm thêm trở thành một phần không thể thiếu của em và nhiều bạn sinh viên”, Nam cho hay.
Sinh viên lo lắng trước đề xuất giới hạn giờ làm thêm. (Ảnh minh họa)
Sau giờ học, Nam xin làm thêm phục vụ cho cửa hàng cà phê trong khung thời gian 18h - 23h với mức lương 20.000 đồng/giờ. Trung bình mỗi ngày nam sinh làm thêm 5 giờ, tương đương khoảng 35 giờ/tuần. Mặc dùng mức lương làm thêm không nhiều nhưng đủ để Nam duy trì cuộc sống sinh viên, giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ.
Do vậy, nam sinh lo ngại nếu đưa chính sách mới vào thi hành, đồng nghĩa sẽ bị giảm 15 giờ mỗi tuần, thu nhập sẽ hao hụt đáng kể.
Theo Nam, làm thêm không chỉ là cơ hội để kiếm thêm thu nhập mà còn là cách để thử nghiệm kiến thức được học trong sách vở ở môi trường thực tế. Việc làm thêm cũng được coi là "phao cứu sinh" để Nam bám trụ tại Hà Nội và theo học 4 năm đại học.
"Em là sinh viên ngoại tỉnh, tiền thuê trọ, điện nước, ăn uống khá tốn kém. Được người quen giới thiệu làm thêm bưng bê tại quán ăn với thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng giúp em đỡ phần nào các khoản chi tiêu”, Nguyễn Mạnh Trường (quê Hà Tĩnh), sinh viên năm 3, trường Cao đẳng FPT Polytechnic chia sẻ.
Trường lo ngại, nếu chính sách giới hạn giờ làm được áp dụng, thu nhập hàng tháng của nam sinh bị giảm, ảnh hưởng tới tiền sinh hoạt và tiền đóng học, khiến gia đình thêm gánh nặng.
"Em mong Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các chuyên gia cân nhắc kỹ lưỡng trước đề xuất giới hạn giờ làm việc với sinh viên hoặc điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng cụ thể", Trường nói.
Nguyễn Hương Ly (Điện Biên) sinh viên năm 3 ngành Mỹ thuật cho rằng, việc làm thêm không chỉ là cơ hội kiếm thêm thu nhập mà còn là dịp để thực hành và phát triển kỹ năng nghệ thuật.
Ly đang làm thêm cho công ty chuyên thiết kế đồ hoạ game. Việc giới hạn thời gian làm thêm 20 giờ/tuần, đồng nghĩa với cắt giảm thời gian dành cho sáng tạo và thử nghiệm ý tưởng của Ly. Thêm vào đó, áp đặt giới hạn này cũng gây ra sự bất ổn trong tâm lý, khiến Ly phải đối mặt với áp lực tài chính và lo lắng về tương lai.
Anh Đoàn Ngọc Dũng (quận Tây Hồ), chủ cửa hàng cà phê tại Hà Nội khá bất ngờ trước thông tin đề xuất giới hạn giờ làm thêm với sinh viên. Theo anh, sinh viên làm thêm tương đối tốt vì vừa có thu nhập, trải nghiệm, đúc kết được kinh nghiệm hoàn thiện bản thân.
Nhiều năm tuyển dụng sinh viên làm thêm, anh Dũng nhận thấy các bạn sinh viên sau khi làm thêm đều trưởng thành, tích lũy kinh nghiệm trước khi đi làm ở nơi làm việc chính thức.
"Khối lượng làm việc của các bạn sinh viên tại cửa hàng tôi không quá nặng, từ 4 - 5 giờ/ngày và không ảnh hưởng quá nhiều tới việc học tập. Bên cạnh đó, nếu đề xuất đi vào thực tiễn, cửa hàng sẽ bị ảnh hưởng vì thời gian sinh viên làm tại cửa hàng giảm", anh Dũng nói.
Theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc trung tâm tuyển sinh và truyền thông, trường Đại học Công Thương TP.HCM cho biết, đề xuất giới hạn giờ làm của sinh viên là điều đương nhiên, tương tự như các nước phát triển khác. Tuy nhiên việc giới hạn giờ làm thêm 20 giờ/tuần là quá ít cho những sinh viên hoàn cảnh khó khăn. "Việc này chỉ nên khuyến khích, không cần thiết quy định cứng nhắc về thời gian làm việc", ông Sơn bày tỏ.
Dẫu vậy, ông cũng cho rằng, sinh viên nên hiểu rõ trách nhiệm chính của bản thân là học tập và nghiên cứu chứ không phải làm thêm. Hiện, nhiều sinh viên mải lo làm thêm mà bỏ bê việc học tập và nghiên cứu, điều này rất đáng lo ngại.
Căn cứ Điều 30 dự thảo luật việc làm 2024 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định về thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên:
Việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động theo quy định tại khoản 1 điều 2 luật này được làm việc nhưng không quá 20 giờ trong 1 tuần trong kỳ học, và không quá 48 giờ trong 1 tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.
Nếu dự thảo luật việc làm 2024 được thông qua, thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên sẽ giảm gần bằng một nửa thời gian làm việc của người lao động bình thường và giảm một nửa theo quy định hiện nay về thời gian làm việc của học sinh từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.