Video: Cận cảnh tình trạng ngập úng giữa khu công nghiệp ở Hải Phòng
Ngày 23/3, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hải Phòng cho biết, cơ quan này vừa có văn bản đề nghị UBND quận Hải An chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc quận điều tra, xác minh tổ chức, cá nhân khiến cánh rừng ngập mặn ở địa phương chết khô.
Trong văn bản trên, Sở NN&PTNT Hải Phòng khẳng định, từ khi phát hiện cánh rừng ngập mặn 5,4ha tại lô 7, khoảnh 4, tiểu khu HA có hiện tượng bị rụng lá, sinh trưởng phát triển kém, Chi cục Kiểm lâm Thành phố đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.
Cánh rừng ngập mặn 5,4 ha đang xanh tốt bỗng chết khô.
Cụ thể, đơn vị này đã kịp thời phát hiện, tích cực tham mưu cho Sở NN&PTNT và UBND TP Hải Phòng chỉ đạo xác minh, xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, Chi cục cũng tham mưu UBND quận Hải An, UBND phường Đông Hải 2 kiểm tra, xử lý vụ việc.
Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với Viện nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam khảo sát, nghiên cứu xác định nguyên nhân cây rừng chết; hướng dẫn UBND quận Hải An kiểm tra, xác định đối tượng và giá trị thiệt hại, lập hồ sơ thanh lý rừng theo quy định.
Đơn vị này cũng chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng chủ động phối hợp với UBND phường Đông Hải 2 kiểm tra, xác minh, tham mưu UBND quận Hải An xử lý theo quy định.
Cánh rừng ngập mặn 5,4ha chết khô, nguồn nước bị ô nhiễm nặng.
Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT Hải Phòng, do vụ việc phức tạp, liên quan đến việc thực thi các quy định pháp luật về đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng, lâm nghiệp..., trong khi trình độ, năng lực điều tra, xác minh của lực lượng kiểm lâm còn hạn chế nên đến nay vẫn chưa xác định được đối tượng gây ra các nguyên nhân khiến cây rừng chết.
Mặt khác, do Thông tư số 18/2013 của Bộ Tài chính hết hiệu lực, nên không có căn cứ pháp lý tham mưu UBND Thành phố thực hiện việc thanh lý diện tích rừng bị thiệt hại và giá trị lâm sản thu hồi khi thực hiện thanh lý rừng.
“Do đó, để giải quyết dứt điểm vụ việc trên theo đúng quy định pháp luật, Sở NN&PTNT Hải Phòng đề nghị UBND quận Hải An chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc quận tổ chức điều tra, xác minh rõ đối tượng (tổ chức, cá nhân) gây nên nguyên nhân cây rừng ngập mặn chết nêu trên và xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, công văn nêu rõ.
Theo phản ánh của người dân, cánh rừng nêu trên bị ngập úng khá lâu trước khi cây rụng lá, chết khô. Trong cuộc trao đổi với ông Bùi Thanh Tùng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng, PV VTC News đặt câu hỏi: Vậy lực lượng kiểm lâm có phát hiện được những dấu hiệu, nguy cơ có thể xảy ra làm cánh rừng bị chết hay không? Chi cục kiểm lâm có tham mưu cho lãnh đạo Sở và Sở có tham mưu cho UBND TP Hải Phòng cần chỉ đạo các giải pháp cấp bách để cứu cánh rừng khỏi nguy cơ ngập úng, ô nhiễm, dẫn đến cánh rừng nêu trên bị chết hay không? Nếu không, trách nhiệm thuộc về ai?
Tuy nhiên, vị lãnh đạo Sở NN&PTNT Hải Phòng chưa thể trả lời những câu hỏi trên vì cho rằng “anh em tham mưu chưa chuẩn bị nội dung này".
Liên quan vụ việc, trả lời PV VTC News, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, tháng 6/2020, cơ quan này đã tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo việc thoát nước tạm thời cho các doanh nghiệp, đơn vị trong khu vực, trong đó có cánh rừng ngập mặn 5,4ha... chảy qua khu đất của dự án Khu phí thuế quan và Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (khu 1).
Đồng thời, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất dự án đầu tư công trình thoát nước dọc theo hành lang cầu Tân Vũ – Lạch Huyện đổ ra biển, tuy nhiên đến nay cơ quan này vẫn chưa thực hiện.
Đây là mương thoát nước tạm thời từ giữa năm 2020 đến nay.
Ông Nguyễn Quang Minh - Trưởng phòng Quy hoạch xây dựng (Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng) cho hay, đó là trách nhiệm quản lý. Theo lý giải của ông Minh, Ban chưa kịp thời nắm bắt các vấn đề phát sinh khi triển khai các dự án ở trong khu vực này.
“Khi triển khai các dự án, nắm bắt thông tin kiến nghị của các đơn vị, chúng tôi đều có trách nhiệm cùng các ngành báo cáo thành phố tìm ra các hướng giải quyết vấn đề, kiến nghị đó.
Tuy nhiên, Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng chưa nhận được phản hồi liên quan đề xuất dự án đầu tư công trình thoát nước dọc theo hành lang cầu Tân Vũ – Lạch Huyện đã trình UBND Thành phố.
Các hộ nuôi trồng thủy sản ở đây cũng không có kiến nghị gì với chúng tôi về việc rừng ngập lụt dẫn tới cây chết khô. Để xảy ra vấn đề này, vấn đề kia là trách nhiệm chung”, ông Minh nói.
Nhiều địa điểm trong Khu kinh tế Đình Vũ bị ngập úng chưa có lối thoát nước đảm bảo, lâu dài.
Ngày 23/3, trả lời PV VTC News, ông Lương Xuân Đam – Giám đốc Ban quản lý Dự án Khu công nghiệp Nam Đình Vũ cho biết, khoảng tháng 6/2020, khi có văn bản của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và chỉ đạo của UBND Thành phố, đơn vị đã khơi thông dòng chảy dọc hành lang chân cầu Tân Vũ – Lạch Huyện và qua khu san lấp mặt bằng của dự án để thoát nước tạm thời trong khu vực. Đường thoát nước có cao độ +2m theo hải đồ, lắp đặt 3 đường ống ly tâm bê tông cốt thép.
Từ đó đến nay, Ban quản lý dự án Khu công nghiệp Nam Đình Vũ chưa nhận được văn bản nào của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đề nghị phối hợp lập dự án thoát nước cho khu vực nêu trên chạy dọc hành lang cầu Tân Vũ – Lạch Huyện đổ ra cửa sông Bạch Đằng.
“Thành phố nên sớm có phương án thoát nước cho toàn khu vực. Khi thành phố có chỉ đạo, chúng tôi sẵn sàng phối hợp thôi”, ông Đam nêu quan điểm.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này!