Sáng 9/1, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm vừa qua, có 2 nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri (Phù Tường Vân và Nguyễn Viết Toản) bị khởi tố, 1 người bị thôi việc; 1 kiểm lâm và 3 chủ rừng bị kỷ luật cảnh cáo, 34 cá nhân (kiểm lâm, chủ rừng, chính quyền cấp xã) bị khiển trách. Ngoài ra, 6 tập thể và 78 cá nhân bị phê bình, nhắc nhở vì để xảy ra những vụ phá rừng nghiêm trọng.
Rừng tiểu khu 460 bị đầu độc, cư hạ, 2 nhân viên bảo vệ rừng bị khởi tố.
Nổi cộm nhất là huyện Bảo Lâm với 2 trường hợp bị khởi tố, 1 kiểm lâm viên bị cảnh cáo, toàn bộ ban lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm (3 người) cùng 2 kiểm lâm viên bị kỷ luật, phê bình, nhắc nhở và thuyên chuyển sang các cơ quan, đơn vị khác.
Nguyên nhân chủ yếu là do những cán bộ, nhân viên này thiếu trách nhiệm trong thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng; không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, báo cáo các vụ vi phạm tài nguyên rừng; để xảy ra những vụ phá rừng có tính chất nổi cộm, phức tạp…
Năm qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện 680 vụ vi phạm với diện tích rừng bị thiệt hại 45,59 ha, khối lượng lâm sản thiệt hại 2.472 m2. So với năm 2019, số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại có giảm nhưng tình hình vi phạm lâm luật vẫn rất phức tạp. Đặc biệt, tỷ lệ số vụ chưa xác định đối tượng vi phạm rất cao, chiếm tới 48%, bằng năm 2019.
Triệt hạ cây rừng, đào hố chôn giấu để phi tang.
Theo ông Ngô Văn Ninh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2021, tỉnh sẽ siết chặt khâu xét đánh giá thi đua khen thưởng của các cơ quan, đơn vị; siết chặt các quy chế, chế tài đối với người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Công tác thi đua khen thưởng các sở, ngành, địa phương sẽ gắn chặt với việc xem xét kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng trong năm. Đối với những người đứng đầu các đơn vị, địa phương để xảy ra những vụ phá rừng nghiêm trọng, tỉnh sẽ kiên quyết không khen thưởng; đơn vị nào không hoàn thành nhiệm vụ trong vòng 3 năm thì người đứng đầu sẽ bị xử lý.