Toàn xã Trí Yên có 7 thôn, 1347 hộ với 5.640 nhân khẩu. Hiện có 865 hộ dân di dời tại chỗ, 67 hộ di dời sang khu vực an toàn. Tình trạng mất điện, thiếu nước sạch khiến đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.
Tràn hết đê bối, xã Trí Yên ở Bắc Giang chìm trong biển nước. (Ảnh Danh lam/TTXVN)
Chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ bà con nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ. Sáng 14/9, trả lời Báo điện tử VTC News, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cho biết: "Khi nước lũ lên, chúng tôi tập trung các lực lượng cứu hộ khẩn cấp, tổ chức các đoàn công tác để phân phát lương thực, thực phẩm, nước uống cho những hộ gia đình bị cô lập.
Hiện nước lũ bắt đầu xuống nhưng diễn biến còn phức tạp. Chúng tôi đã chuẩn bị một số thuyền đò lớn để đưa đồ cứu trợ đến cho người dân, đưa cán bộ y tế đến cấp cứu hoặc chữa bệnh khi cần. Địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại".
Hiện các tuyến đường vào xã Trí Yên vẫn ngập sâu.
Hiện, tuyến đường vào xã Trí Yên vẫn bị ngập sâu nên các nhu yếu phẩm phải được vận chuyển bằng thuyền vào cho người dân.
Tại điểm tập kết thiết bị cứu hộ, cứu nạn, các lực lượng đều căng mình làm việc. Tỉnh Bắc Giang và huyện Yên Dũng huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ công an, bộ đội cùng các tình nguyện viên nỗ lực suốt nhiều giờ liền kiểm tra tình hình thực tế để có giải pháp xử lý, hỗ trợ, cứu trợ cho nhân dân.
Nhiều khu vực bị ngập sâu, việc tiếp cận vô cùng khó khăn, lực lượng cứu hộ vẫn cố gắng vượt qua dòng nước lũ để hỗ trợ bà con.
Lực lượng chức năng hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ.
Ông Vũ Ngọc Nở, Bí thư chi bộ thôn Long Sơn, xã Trí Yên cho biết, ngay khi đê bối tràn, tình trạng ngập lụt xảy ra rất nhanh khiến mọi người trở tay không kịp.
"Ngay bây giờ chúng tôi rất khó khăn về nước sinh hoạt. Mặc dù chúng tôi có sự chuẩn bị trước vì là dân vùng lũ, nhưng việc tích trữ nước cần lượng lớn nên đây là vấn đề cấp bách nhất trong lúc này". ông Nở cho biết thêm.
Xã Trí Yên chuẩn bị thuốc men cho giai đoạn trong và sau lũ.
Trước đó, huyện Yên Dũng triển khai các phương án ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" để bảo đảm an toàn cho người dân bằng hình thức ổn định tại chỗ lên tầng cao hơn, xen ghép vào nhà người thân và các gia đình không bị ảnh hưởng.
Xã tổ chức, bố trí lực lượng y, bác sỹ và chuẩn bị thuốc men để khám chữa bệnh cho nhân dân nơi sơ tán và tại chỗ; bố trí cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại; thành lập các tổ công tác đến địa bàn bị ảnh hưởng để hướng dẫn phòng tránh, ứng phó với tình hình mưa lũ.