Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

ĐBQH lo tinh giản biên chế sẽ giảm người tài, Bộ trưởng Nội vụ phản biện

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định chỉ tiêu tinh giản biên chế không quy định cào bằng mà giảm trong tổng biên chế của địa phương và bộ ngành quản lý.

Sáng 7/11, sau khi kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đăng đàn trả lời chất vấn về nhóm vấn đề sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; việc sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) bày tỏ quan ngại việc tinh giản biên chế có thể dẫn tới tình trạng giảm người tinh, loại bỏ nhầm người giỏi, giữ lại những người kém đức, kém tài. 

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định ông thống nhất với ý kiến không giảm biên chế cào bằng. 

"Chỉ tiêu, tinh giản biên chế của Chính phủ không quy định cào bằng mà giảm trong tổng biên chế của địa phương và bộ ngành quản lý. 

Như với Bộ Nội vụ vừa rồi giao biên chế năm 2019, tăng biên chế cho 3 đơn vị, nhưng giảm 6 đơn vị. Tùy theo chức năng, công việc, nhiệm vụ hàng năm mà điều chỉnh trên tổng biên chế là do thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị quyết định chứ không phải đơn vị nào, vụ nào, sở nào chúng ta cũng giảm hết 2%. 

Chức năng, nhiệm vụ của đơn vị này năm nay tăng thì biên chế tăng. Trường hợp năm nay ít thì giao lại, điều chuyển công tác cán bộ để đảm bảo làm sao tổng biên chế của chúng ta không tăng", ông Tân cho hay. 

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân. (Ành: Quochoi.vn) 

Bộ trưởng nói thêm rằng về vấn đề tinh giảm biên chế, đến giờ này Bộ Nội vụ báo cáo đến năm 2021, khả năng thực hiện giảm tối thiếu 10% biên chế sự nghiệp trong cơ quan hành chính là khả thi. 

"Trong 2 năm vừa qua, Bộ Nội vụ kết hợp với Bộ Tài chính chúng tôi cắt giảm biên chế ngay 2% mỗi năm. Riêng Bộ Tài chính cắt giảm kinh phí chi thường xuyên cũng 2%. Tới cuối năm 2020, chúng ta đã đạt được 8,85%", ông Tân cho biết. 

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) đặt vấn đề yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hiện nay còn mang tính hình thức, nhiều ngành nghề chưa thực sự cần tới chứng chỉ này nên nhiều người thi chỉ để đủ điều kiện xét nâng ngạch dẫn tới tốn kém cho đội ngũ công chức, viên chức.

Trước thắc mắc trên, Bộ trưởng Tân cho biết, các nghị quyết nói rất rõ các tiêu chuẩn ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm. Như vậy, chúng ta quy định tuyển dụng công chức về bằng ngoại ngữ là như nhau. Nhưng rõ ràng ở từng vị trí cần có tiêu chuẩn về bằng cấp khác nhau.

"Do đó, chúng tôi phải sửa cái này. Sắp tới đây phải sửa lại, đặc biệt là theo chủ trương của Nghị quyết 26, phải có một số tỷ lệ nhất định làm việc trong môi trường quốc tế. Chúng tôi kiến nghị từ cấp Vụ trở lên, phải đạt tiêu chuẩn đủ trình độ ngoại ngữ làm việc ở môi trường quốc tế. Anh đi hội thảo quốc tế, tổ chức các hội nghị, nghe nói tiếng Anh mà lại bắt dẫn theo phiên dịch à", ông Tân nói. 

Vị Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quy định tiêu chuẩn cho từng chức danh. 

"Về vấn đề tin học ngoại ngữ, xin hứa với các đại biểu Quốc hội, sau khi luật cán bộ, công chức ban hành, chúng tôi sẽ quy định để các vấn đề này không còn là gánh nặng đối với cán bộ công chức mà sẽ đi vào thực chất là chúng ta có đạt được trình độ hay không để áp dụng trong công việc chuyên môn của mình", ông nói thêm. 

Liên quan tới vấn đề thi xét tuyển, xét nâng ngạch, bổ nhiệm, đánh giá công chức, viên chức, Bộ trưởng thừa nhận có "phiền hà lớn" trong vấn đề văn bằng, chứng chỉ cũng quy như quy trình bổ nhiệm, 

Bộ trưởng Tân cho biết quy định về việc này có từ năm 1993, đã tồn tại hơn 20 năm nhưng chưa được sửa đổi. 

“Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này vì một quyết định để 20 năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà. Chúng tôi cam kết với Quốc hội, sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay đến nội dung này.

Chúng tôi sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào", ông Tân cho hay. 

Song Hy

Tin mới