Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dấu ấn Bảo tàng Hà Giang

(VTC News) -

Kết hợp hài hòa không gian văn hóa truyền thống và hiện đại, Bảo tàng Hà Giang là địa chỉ hấp dẫn, điểm nhấn về văn hóa, du lịch nơi cực Bắc Tổ quốc.

Bảo tàng Hà Giang nằm ở trung tâm thành phố, có vị trí đắc địa cạnh dòng sông Lô huyền thoại. Với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác trưng bày, ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, dịch vụ phục vụ khách tham quan, quảng bá, xúc tiến du lịch.

Năm 2020, bảo tàng được cải tạo, nâng cấp với tổng diện tích quy hoạch 4.100m2, tổng kinh phí đầu tư trên 106,2 tỷ đồng. Công trình được kỳ vọng trở thành điểm đến nổi bật, hấp dẫn, vừa mang đậm bản sắc độc đáo riêng có của Hà Giang, vừa mang hơi thở thời đại.

Ngày 28/5, Bảo tàng Hà Giang vinh dự được Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự lễ khánh thành. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh: "Đảng, Nhà nước nhất quán quan điểm phát triển văn hóa ngang hàng chính trị, xã hội; gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa góp phần bảo vệ an ninh quốc gia; phát huy bản sắc dân tộc, phát triển văn hóa một cách khoa học, đại chúng.

Hà Giang đã đi đúng hướng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; việc khánh thành công trình Bảo tàng tỉnh đã góp phần phát triển công nghiệp văn hóa được Đảng xác định. Công trình không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống, gìn giữ giá trị lịch sử mà còn cần phải có tính chuyên nghiệp, tạo ra của cải vật chất bằng việc thương mại hóa và phù hợp bản sắc văn hóa dân tộc".

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự lễ khánh thành Bảo tàng Hà Giang.

Tiếp tục sứ mệnh “tiếp lửa” truyền thống, kết nối di sản, Bảo tàng Hà Giang sau khi được nâng cấp có nhiều dấu ấn trong thiết kế thông qua ứng dụng công nghệ số trực quan, sinh động, hướng đến trải nghiệm ấn tượng, sâu sắc cho khách tham quan.

Theo đó, không gian bảo tàng gồm 1 gian khánh tiết và 5 không gian trưng bày theo tiến trình thời gian: cư dân Hà Giang theo dòng lịch sử; bảo vệ Tổ quốc và an ninh biên giới; văn hóa đa dạng; ba vùng sinh thái và xây dựng cuộc sống mới.

Nội dung trưng bày tại bảo tàng giới thiệu khái quát, cô đọng tiến trình lịch sử Hà Giang từ thời nguyên thủy đến ngày nay; chú trọng những mốc son và sự kiện lịch sử tiêu biểu đánh dấu bước phát triển của lịch sử, nơi tụ cư, sinh sống của 19 dân tộc, gắn lịch sử cách mạng, lịch sử Đảng trong dòng lịch sử chung của Hà Giang, khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng.

Nội dung và hình thức trưng bày đảm bảo tính chính trị và khoa học, tính dân tộc và hiện đại, tính hàn lâm và toàn diện, tính thống nhất trong đa dạng văn hóa của các dân tộc tỉnh Hà Giang.

Bảo tàng Hà Giang gây ấn tượng với du khách tham quan ngay tại gian mở đầu khánh tiết với hệ thống biển thông tin được sắp xếp theo thuật toán để hiện lên dòng chữ Bảo tàng Hà Giang, cách sắp xếp này còn tượng trưng cho các dãy núi hình vòng cung ôm trọn lấy Hà Giang.

 Du khách tham quan bảo tàng.

Trong đó, những tấm pano được thiết kế với nhiều màu sắc khác nhau tạo nên bức tranh tổng thể sinh động. Màu sắc và họa tiết gợi về sự hiện diện của các dân tộc khác nhau trong một không gian chung, lấy ý tưởng từ màu sắc trên trang phục của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Mỗi kiểu trang phục là một công trình nghệ thuật tài hoa về mỹ thuật, hội họa sử dụng màu sắc, âm nhạc đặc trưng.

Ông Bùi Đức Tân, Giám đốc Bảo tàng Hà Giang cho biết: "Để đáp ứng cho việc đổi mới trưng bày, bảo tàng đã thực hiện sưu tầm, bổ sung tài liệu, hiện vật trên cơ sở nội dung nghiên cứu chỉnh lý, khai quật khảo cổ học, tư liệu, số hóa hiện vật. Đồng thời, xây dựng trung tâm dữ liệu, quan tâm tu sửa, phục chế tài liệu, hiện vật, đáp ứng tối đa nội dung ý tưởng trưng bày.

Số lượng lưu giữ trên 13.000 tài liệu, hiện vật, nhằm đổi mới công tác trưng bày để phục vụ công chúng tốt hơn, sau khi được nâng cấp, bảo tàng áp dụng quan điểm mới về phát triển ý tưởng trưng bày nên tạo ra nhiều khác biệt với những bảo tàng khác".

Sắc màu văn hóa Hà Giang được thể hiện sinh động, hấp dẫn.

Nổi bật, toàn bộ ý tưởng trưng bày tại Bảo tàng Hà Giang được chuyên gia Pháp và nhóm cộng sự am hiểu về phong tục tập quán, xã hội của Việt Nam nói chung và vùng đất Hà Giang nói riêng. Lấy ý tưởng từ những hình ảnh cảnh quan núi non hùng vỹ, hoang sơ của vùng Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, các vùng sinh thái gắn với các bình độ khác, đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Khu vực trang trọng nhất của bảo tàng dùng những hình ảnh gắn sau các pano có độ cao, thấp khác nhau tạo ra sự kết nối với du lịch qua các hình ảnh cảnh quan, di tích nổi tiếng và khoảng cách từ bảo tàng đến địa danh đó, tạo nên sự mới mẻ.

Tại các gian trưng bày, thông điệp tổng quan về mảnh đất, con người Hà Giang sẽ được khám phá thông qua các chủ đề được phân cấp, các thiết bị công nghệ sẽ bổ trợ cho nội dung trưng bày. Cùng với đó, sử dụng bản đồ cổ đặc trưng theo phong cách Á Đông hiện diện so sánh với bản đồ mang phong cách Châu Âu tạo hiệu ứng giữa truyền thống hiện đại.

Các ký hiệu biểu thị logic, khoa học và màu sắc gây ấn tượng mạnh với các tông màu lạnh, nóng nhưng lại nằm trong sự điều hòa của âm dương tạo sự hoang sơ trong phần trưng bày về sự sống 500 triệu năm về trước; màu đỏ thể hiện rất rõ trong phần trưng bày về các công cụ của người cổ được chế tác, tác động của con người khi phát hiện ra lửa; màu xanh phần trưng bày về đường Hạnh phúc.

Tái hiện lịch sử, cuộc sống bằng công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp, các không gian trưng bày được sắp xếp khoa học, lồng ghép công nghệ, màn hình tương tác, thiết bị hướng dẫn tự động, tiếp cận thông tin trực tuyến, không chỉ mang lại hiệu quả truyền tải thông tin mà còn tạo hiệu ứng thị giác.

Đặc biệt, tại phòng chiếu phim sử dụng công nghệ trình chiếu 3D Mapping phản ánh chủ đề Hà Giang những dấu mốc lịch sử. Công nghệ trình chiếu 3D Mapping là công nghệ mới và hiện đại nhất hiện nay, sử dụng ánh sáng để tạo hiệu ứng 3D cho bề mặt tiếp xúc, tạo ra các khối hình ảnh tương tác trong không gian 3 chiều.

Màn hình cong trình chiếu khổ lớn tạo tính tương tác cao.

Phần lớn hệ thống trang thiết bị tại bảo tàng đều là thiết bị chuyên dụng, đặc chủng. Theo đánh giá của các chuyên gia, các thiết bị này đáp ứng rất tốt cho việc trưng bày quản lý và khai thác vận hành bảo tàng một cách hiệu quả, an toàn, đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, Bảo tàng sử dụng công nghệ, trang thiết bị nghe nhìn hiện đại như: 1 màn hình cong trình chiếu khổ lớn; 19 màn hình ti vi chiếu phim các chủ đề; 6 màn hình cảm ứng tra cứu thông tin, trải nghiệm; hệ thống thuyết minh tự động audio guide giới thiệu 150 câu chuyện chuyên sâu, gồm 3 ngôn ngữ Anh, Việt, Pháp… Qua đó cung cấp thông tin, tư liệu; tra cứu phục vụ các hoạt động đa dạng, tính tương tác, khám phá của du khách tham quan.

Từ khi mở cửa thử nghiệm và hoạt động chính thức từ 20/8 đến nay, Bảo tàng Hà Giang đã đón trên 4.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Thời gian tới, Bảo tàng Hà Giang tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức đa dạng các hoạt động, sự kiện, dịch vụ.

Bảo tàng sẽ nâng cao chất lượng sưu tầm hiện vật, tổ chức sự kiện trưng bày chuyên đề, các sự kiện văn hóa, tăng cường hoạt động trải nghiệm, kết nối với trường học, đưa bảo tàng trở thành một địa chỉ đỏ về quảng bá, giới thiệu hình ảnh, lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo riêng có của Hà Giang.

Bảo Anh

Tin mới