Tháng trước em có gây gổ đánh vợ em,sau đó, vợ em ra trước cổng nhà chửi mắng la ó om sòm thì công an phường đến và mời vợ chồng em lên phường giải quyết.
Sau khi ghi bản tường trình sự việc trên và lập biên bản giữ lại bằng lái xe máy, chứng minh nhân dân và xe máy của em, họ nói em ký tên rồi về và không đưa cho em giấy tờ hay biên bản gì cả còn vợ em cũng đi xe máy lên mà không bị giữ gì hết mỗi người đi 1 xe riêng)
Vài ngày sau thì có 1 cảnh sát khu vực đến nói em lên đóng phạt hết 1,3 triệu nhưng em cứ thắc mắc mãi tại sao công an giữ giấy tờ phương tiện của em mà không có biên bản hay bất cứ giấy tờ gì? Cho em hỏi như vậy công an làm đúng hay sai? Tại sao em bị phạt 1,3 triệu?
Hiện giờ em vẫn không có xe và giấy tờ để đi làm việc. Mong các anh chị giúp em.
Ảnh minh hoạ |
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất: Theo như bạn trình bày thì công an phường có lập biên bản thu giữ bằng lái xe, xe máy và chứng minh nhân dân của bạn mà không hề giao cho bạn biên bản nào, như vậy không đúng với quy định của pháp luật về trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Trong trường hợp này bạn có quyền làm đơn khiếu nại về việc này gửi lên trưởng công an phường.
Bạn có thể tham khảo các quy định sau đây của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 để hiểu rõ hơn về cơ sở pháp lý cho việc khiếu nại:
Điều 125. Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính
“1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:
a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này;
b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này.
6. Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.
9. Mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm; trường hợp không xác định được người vi phạm, người vi phạm vắng mặt hoặc không ký thì phải có chữ ký của 02 người làm chứng. Biên bản phải được lập thành 02 bản, người có thẩm quyền tạm giữ giữ 01 bản, người vi phạm giữ 01 bản.
Thứ hai: Về mức xử phạt
Theo quy định tại Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình – Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;”
Như vậy mức phạt hành chính cho hành vi gây gổ và đánh vợ sẽ là 1.250.000 đồng.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng Luật Giải Phóng, Tp Hồ Chí Minh
Theo VNN