Danh ca Thanh Lan quyết định tổ chức một đêm nhạc để tưởng nhớ cha của mình. Nữ danh ca cho biết, cha mẹ cô rất yêu thích âm nhạc nên cô làm ca sĩ là niềm vui cho cả hai. Khi còn sống, cha của Thanh Lan chưa bao giờ bỏ sót bất kỳ đêm nhạc nào của con gái.
"Có lần tôi hát tại sân khấu thì trời đổ mưa, khán giả mặc áo mưa hoặc che dù ngồi xem tiếp. Cha tôi dù lớn tuổi vẫn ngồi cùng mọi người. Tôi rất cảm động, biểu diễn trên sân khấu mà cứ nhìn hàng ghế phía dưới sợ ông ướt rồi bị cảm", Thanh Lan chia sẻ.
Vì vậy, nhân ngày giỗ thứ 15 của cha, Thanh Lan mong muốn thể hiện những ca khúc ông yêu thích, trong đó có bài Nắng chiều – sáng tác của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Đây cũng là dịp nữ danh ca gặp gỡ khán giả sau 2 năm không hát ở TP.HCM.
Danh ca Thanh Lan.
Thanh Lan quê ở Nghệ An. Khi còn là nữ sinh phổ thông, cô đã hát trong ban nhạc Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức. Nữ danh ca cũng sinh hoạt trong ban nhạc sinh viên Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà - một trong những ban nhạc có khuynh hướng Việt hóa nhạc trẻ đầu tiên ở Sài Gòn.
Vào cuối những năm 1960, Thanh Lan thường được mời hát dân ca ba miền trên truyền hình. Khi là sinh viên năm đầu Đại học Văn khoa, cô nổi tiếng với các ca khúc tiếng Pháp. Hình ảnh Thanh Lan xuất hiện trên các bìa bản nhạc bày bán khắp nơi.
Thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong trào nhạc trẻ Việt Nam, cô là bạn diễn ăn ý với ca sĩ Nhật Trường qua các tình khúc Trần Thiện Thanh. Bộ đôi còn kết hợp với nhau trong phim truyền hình Trên đỉnh mùa đông và Mộng thường - hai phim phát sóng trước năm 1975 do Nhật Trường viết kịch bản, đạo diễn.
Trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của mình, danh ca Thanh Lan được nhớ tới qua các bài hát như Đi qua vùng cỏ non, Em đi chùa Hương, Giàn thiên lý đã xa… Sang Mỹ từ năm 2003, Thanh Lan chỉ vừa trở về Việt Nam cách đây 2 năm.