Hầu hết thành viên của đội tuyển Nhật Bản là những người đã hoặc đang thi đấu ở châu Âu. Trong chuyến làm khách trên sân của đội tuyển Việt Nam lần này, HLV Hajime Moriyasu triệu tập tới 18 cầu thủ hiện thuộc biên chế các CLB Anh, Đức, Bỉ, Pháp, BỈ, Hà Lan, Scotland và Bồ Đào Nha. Trong số 10 cầu thủ còn lại, cũng có 4 người từng nhiều năm chinh chiến tại châu Âu.
Điều này cũng gây ra cho đội tuyển Nhật Bản không ít phiền toái, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến việc di chuyển có nhiều bất tiện. Trước trận đấu với đội tuyển Việt Nam, đội tuyển Nhật Bản chỉ có một ngày tập luyện với đầy đủ lực lượng.
ĐT Nhật Bản chỉ có 1 buổi tập đầy đủ lực lượng.
Dàn sao thi đấu ở châu Âu thường tập trung muộn do phải chờ hết loạt trận ở các giải vô địch quốc gia và mất thời gian di chuyển. Không những vậy, chuyến bay chở 11 tuyển thủ Nhật Bản, trong đó có 2 cầu thủ chơi bóng ở Ngoại Hạng Anh là Takumi Minamino, Takehiro Tomiyasu còn bị trễ tới nửa ngày do trục trặc khi quá cảnh.
“Đội tuyển Nhật Bản gặp không ít khó khăn trong công tác chuẩn bị cho các trận đấu tại vòng loại thứ ba World Cup - khu vực châu Á. Để có sự chuẩn bị tốt, đội tuyển cần phải có thời gian để tập trung tập luyện, nhưng thực tế chúng tôi không có được điều đó, bởi đa số các cầu thủ đều chơi bóng ở châu Âu", Chủ tịch LĐBĐ Nhật Bản (JFA) Kozo Takashima chia sẻ.
Việc các cầu thủ có quá ít thời gian tập trung ảnh hưởng rất lớn tới đội tuyển Nhật Bản. Có thể thấy rõ rằng các học trò của HLV Moriyasu không ở trạng thái thi đấu tốt nhất do không đủ thời gian nghỉ ngơi và cũng thiếu đi sự gắn kết về chiến thuật, khiến họ mới giành được 6 điểm sau 4 lượt trận.
Tuy nhiên, theo lời ông Kozo Takashima, bóng đá Nhật Bản chấp nhận bất lợi này. Trên thực tế, đó là cái giá đáng để nền bóng đá đất nước Mặt trời mọc đánh đổi cho một chiến lược nâng tầm dài hạn.
"Họ chỉ có 2 ngày để chuẩn bị. Đó là vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn việc tập trung dài ngày và lựa chọn các cầu thủ thi đấu ở châu Âu, chúng tôi vẫn sẽ đứng về phía các cầu thủ”, Chủ tịch JFA cho biết.
Tomiyasu là một trong những cầu thủ Nhật Bản có chỗ đứng chắc chắn ở các CLB châu Âu.
Từ cách đây hơn 2 thập kỷ, bóng đá Nhật Bản đã cố gắng "xuất khẩu" cầu thủ sang châu Âu và kiên trì thực hiện suốt thời gian qua. Bên cạnh việc đào tạo ra những cầu thủ chất lượng cao, người Nhật còn tạo thêm các kênh kết nối đến lục địa già để thực hiện chiến lược này. Ví dụ, CLB Sint-Truidense, nơi Công Phượng từng có thời gian khoác áo theo dạng cho mượn, là điểm đến của rất nhiều cầu thủ Nhật Bản, trong đó có Tomiyasu (23 tuổi, hiện đang đá chính ở Arsenal).
Ông Kozo Takashima nhấn mạnh việc tạo điều kiện tối đa cho các cầu thủ bản địa sang châu Âu chơi bóng chính là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của bóng đá Nhật Bản. Chủ tịch JFA giải thích rằng muốn cải thiện trình độ, các cầu thủ cần được ra sân ở những đấu trường có đẳng cấp cao hơn.
"Bóng đá Việt Nam cũng vậy, nếu có cơ hội, những cầu thủ tài năng nên được khuyến khích thi đấu ở những giải đấu có trình độ chơi bóng cao hơn", ông Kozo đưa ra lời khuyên.
Bóng đá Việt Nam lúc này vẫn dè dặt trong việc đưa cầu thủ ra nước ngoài chơi bóng do chưa có chiến lược rõ ràng như bóng đá Nhật Bản. Thêm vào đó, một số trường hợp hiếm hoi xuất ngoại như Đoàn Văn Hậu, Công Phượng hay trước đó là Xuân Trường, Tuấn Anh không thành công. Cũng do đặc điểm gồm toàn cầu thủ chơi bóng trong nước, đội tuyển Việt Nam có điều kiện để tổ chức các đợt tập trung dài hạn.
Video: Người hâm mộ tự giác thực hiện 5K, mong đợi ĐT Việt Nam chiến thắng