Hàng trăm người dân sống dọc theo sông Trường (huyện Phước Sơn) kéo nhau ra bờ sông đào vàng sau đợt mưa lũ vừa qua.
Theo lý giải của người dân nơi đây, vàng cám thường theo con nước lũ trôi dạt rồi nằm ở dưới lòng sông.
“Vừa rồi lũ to quá, nhà ngập hết, bao nhiêu đồ đạc trôi ra sông cả. Cơm gạo không đủ nuôi 4 đứa nhỏ ở nhà”, chị Hồ Thị Hà (30 tuổi, thôn 10, Phước Hiệp) vừa bước lên bờ sau một đợt ngụp lặn vừa nói.
Chị Hà cho hay, bản thân và nhiều anh chị em khác của đồng bào Bhnoong ra sông tìm vàng từ 2 tuần nay.
Tại các điểm sạt lở đất do dòng chảy của lũ ở các xã Phước Hiệp, Phước Hòa, rất đông người ngụp lặn tìm vàng. Người dân cắm cúi múc đất cát dưới sông đưa lên khay, trước khi dùng mâm hay nắp xoong lấy vàng cám.
“Làm vàng cực lắm, ngâm mình dưới nước cả ngày nhưng nhiều hôm chả được gì. Hôm nào may mắn còn kiếm được 100 ngàn về nuôi con”, chị Hà nói. Xong chị lại ngụp xuống bờ sông, bất chấp dòng nước chảy cuồn cuộn.
Từ bờ sông Trường kéo dài hàng chục km lên đến chân đập thủy điện Đăk Mi 4 những ngày qua có rất đông người dân đào vàng. Người dân đi theo từng nhóm, có gia đình đưa cả phụ nữ và người già, con nhỏ ra bên sông tìm vàng cám.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (49 tuổi, thôn 10, xã Phước Hiệp) kể, bên cảnh hiểm nguy do nước xiết, bờ sông sạt lở và đầy hố vàng, người dân còn thấp thỏm lo thủy điện xả bất ngờ không kịp chạy.
“Nhiều khi thủy điện xả lũ đến hai ba cửa, lượng nước đổ về bất ngờ ngập nguyên ngọn đồi phía trên, lúc đó chỉ biết vứt đồ đạt mà chạy...”
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, sau lũ, lượng vàng sa khoáng dưới sông nhiều, một lượng lớn người dân bỏ việc để hành nghề vàng. Chính quyền địa phương nhiều lần đi truy quét nhưng không xử lý triệt để được.
“Trước mắt, huyện kết hợp với thủy điện, để lúc nào xả lũ thì có loa thông báo, đảm bảo an toàn cho người dân đào vàng trái phép bên sông”, ông Hà nói.
Video: 'Vàng tặc' đào mê cung đường hầm, hoành hành ở Quảng Trị