Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dân mạng hả hê trước đề nghị dẹp karaoke bằng loa kẹo kéo

(VTC News) -

"Hoan hô đề xuất của bà Bích Châu", nhiều nạn nhân của loa kẹo kéo phấn khích trước khả năng TP.HCM "cấm" hát karaoke bằng loa gây tiếng ồn lớn này.

Tại cuộc họp HĐND TP.HCM ngày 9/7, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu phản ánh bức xúc của cử tri về vấn đề hát karaoke, ca nhạc đường phố gây ồn ào trong khu dân cư. Các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết trong việc xử lý, khiến nhiều hộ dân liên tục bị loa kẹo kéo “tra tấn”, dẫn đến bất hòa. Thậm chí hồi tháng 4/2020 có án mạng xảy ra do nhắc nhở việc mở loa kẹo kéo hát karaoke.

"Karaoke di động không còn là loại hình giải trí đơn thuần mà đã trở thành vấn nạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân", bà Châu nói và đề nghị UBND thành phố đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào vào hương ước, quy ước của khu phố.

Thông tin này được chia sẻ rầm rộ trên mạng do "động đến nỗi niềm" của quá nhiều người trong thời gian dài. Cư dân mạng đua nhau "tố khổ". Tài khoản Thanh Thạnh than: "Nhiều hôm nghe họ gào rống bằng loa kẹo kéo, muốn đập đầu vào tường vì mệt và tức".  "Nhiều khi con nhỏ đang ngủ, mấy chú hát to nó giật cả mình!", Hoang Le Dung viết.

Phạm Tuấn bình luận: "Hát hò đúng nơi đúng chỗ chẳng sao. Đây hát ở mọi hang cùng ngõ hẻm, ầm ĩ đường phố, quá nửa đêm cũng không chịu ngừng. Nút lỗ tai rồi, chặn gối lên đầu rồi mà vẫn chịu không nổi". 

Bởi vậy, phần lớn dân mạng ủng hộ nhiệt liệt đề xuất của bà Bích Châu để đẩy lùi ô nhiễm tiếng ồn, tình trạng ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của cộng đồng. Nhân chuyện loa kẹo kéo, nhều người mong muốn lãnh đạo thành phố đặt ra quy định, tiêu chuẩn đối với việc sử dụng dàn máy karaoke của các hộ dân, bởi chuyện hát hò thường xuyên mà không có giải pháp cách âm dẫn đến mất trật tự chung.

Vạn Ngọc: Ủng hộ 2 ray 2 chân luôn, ghét nhất là hát karaoke hành hạ lỗ tai người khác.

Ngô Minh Thiện: Dẹp đi, điển hình đi biển chơi, mấy nhà kéo loa chĩa sang khu khác hát om sòm, trong khi trong khu vực có cả biển cấm dùng loa thùng.

Thạch Thảo: Ngay và luôn, nếu cấm luôn tất cả các thể loại karaoke thì càng tốt!

Phạm Sơn Tùng: Dẹp cái này rồi cũng phải có quy định với việc hat karaoke tại nhà. Nhiều nhà hát không hay nhưng khi hát karaoke thì cửa sổ cửa kính cứ mở thông thống, rồi hát từ 14h đến 20h. Góp ý thì bảo thỉnh thoảng mới vui một tí. Nhưng thỉnh thoảng ở đây là tuần 1 đến 2 lần. 

Tuongvy Nguyen: Đề nghị không chỉ cấm loa kéo mà nên đưa ra quy định nhà nào sắm dàn karaoke phải trang bị cách âm đúng chuẩn và phải xin phép chính quyền để đảm bảo sự nghỉ ngơi của hàng xóm.

Vân Lê: Nhà tôi gần công viên, cứ 5 giờ sáng hàng ngày loa tập thể dục của các mợ mới kinh.

Thái Huyền: Chuyện hát karaoke gây ồn, pháp luật có quy định phạt từ lâu, chẳng qua các cơ quan chức năng thực hiện không nghiêm. Theo Nghị định 167/2013 , nếu cá nhân hát karaoke làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng từ 22h-6h hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100-300 nghìn đồng, nếu là tổ chức vi phạm thì mức phạt lên đến 600 nghìn đồng. Hát karaoke ngoài khoảng thời gian đó nhưng gây tiếng ồn quá 2dB thì bị phạt từ 1 triệu đồng. Tiếng ồn từ 30 dBA trở lên thì bị phạt 100-160 triệu đồng đối với cá nhân và 200-320 triệu đồng đối với tổ chức; cơ sở vi phạm bị đình chỉ 6-12 tháng.

Loa kéo thành nỗi ám ảnh của nhiều người. (Ảnh: Zing)

Tuy nhiên, một số người cho rằng, dù ai cũng ghét bị làm phiền bởi tiếng ồn, vấn nạn hát karaoke bằng loa kéo rất khó để xoá bỏ nhanh chóng. Hơn nữa, nhiều gia đình, nhiều mảnh đời gặp khó khăn đang nhờ công việc này mà mưu sinh, nếu lập tức xóa bỏ sẽ khiến họ mất "cần câu cơm".

Anh Lê:  Vấn nạn thực sự, nhưng không nên cấm, nên cấp phép và quản lý theo khu vực nhất định. Ít nhất vẫn có những hoàn cảnh khó khăn dựa vào đó kiếm sống.

Đô Đô: Mình vào Nam cũng gặp cái loa này. Cá nhân thì không có gì phản đối nhưng họ cứ nài mua đồ, nài mua kẹo, hoa quả, vé số. Bà mẹ nài thấy khổ luôn, có lúc ngồi nói chuyện với đối tác mà họ cứ dí cái kẹo vào mặt người ta xong giữ nguyên đó, bảo không mua rồi cũng coi như không nghe thấy!

Tr Ho Phương: Nên quy định cho hát thứ 7, chủ nhật; ngày thường từ 17h tới 21h. Như vậy thì cỏ vẻ ổn!

Minh Lý: Bản thân mình thấy hát là một cách giải trí rất hiệu quả, đặc biệt là đối với người dân lao động. Dẫu rằng lãnh đạo thành phố tính toán cho sức khoẻ, tinh thần của người dân, nhưng việc áp dụng cần có thời gian để người dân thẩm thấu, cũng như cho những người đang hành nghề hát dạo bằng loa kéo có thời gian tìm việc làm.

Quan điểm của bạn thế nào? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Hạ Vũ

Tin mới