Sáng 5/10, Trung tâm Ứng dụng công nghệ Lâm Đồng (Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng) tiến hành bàn giao đàn bò tót lai F1 cho Vườn quốc gia Phước Bình quản lý, nuôi dưỡng.
Ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình cho biết, sau khi nhận bàn giao đơn vị tạm thời sẽ để đàn bò ở lại khu vực trại nuôi của nhà ông Nguyễn Đình Tích.
“Sau khi chúng tôi xây dựng xong khu vực nuôi mới sẽ di chuyển đàn bò. Từ hôm nay chúng tôi sẽ cử cán bộ, nhân viên chăm sóc đàn bò”, ông Vân nói.
Những con bò tót lai F1 này sẽ được Vườn quốc gia Phước Bình chăm sóc, nuôi dưỡng.
Về phương án quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng để phục hồi sức khỏe của đàn bò tót lai F1, ông Vân cho biết, trước mắt sẽ đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo ngành chức năng cấp kinh phí để xây dựng chuồng trại, khẩn cấp di chuyển đàn bò về địa điểm mới tại vườn ươm của Vườn quốc gia Phước Bình.
Theo một cán bộ Chi cục Thú y tỉnh Ninh Thuận cho biết, qua thăm khám những con bò tót F1 có dấu hiệu của ký sinh trùng đường ruột.
“Bệnh này không nguy hiểm, nhưng nếu không chữa trị kịp thời có thể khiến cơ thể bò suy kiệt dẫn đến tử vong. Nguyên nhân của bệnh có thể do thức ăn không đủ dinh dưỡng, thiếu chất", cán bộ này nói.
Như VTC News đưa tin, thời gian qua dư luận hết sức xót xa, phẫn nộ trước những hình ảnh đàn bò tót lai F1 gồm 11 con bị bỏ đói, gầy trơ xương sau khi kết thúc đề tài nghiên cứu.
Con bò tót lai F1 bị bỏ đói, gầy trơ xương.
Trước những thông tin phản ánh của báo chí, ngày 1/10, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo Sở Khoa học - Công nghệ Ninh Thuận và Vườn quốc gia Phước Bình khẩn trương tiếp nhận đàn bò từ Trung tâm Úng dụng Khoa học - Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, đề xuất phương án phù hợp, lâu dài để nuôi dưỡng và phát triển đàn bò tót lai, phục vụ nghiên cứu khoa học.
Cách đây 12 năm, tại xã vùng cao Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận xuất hiện 1 con bò tót rừng to lớn, nặng gần 1 tấn. Con bò đực này rất hung dữ, thường xuyên từ rừng xuống rẫy của người dân để quấy phá.
Vì cô độc, con bò tót này thường lân la đến những con bò cái của người dân thả chăn nuôi gần bìa rừng quốc gia Phước Bình. Thân hình to lớn cùng với sức mạnh của mình, nó đánh bật những con bò đực khác để giành quyền giao phối.
Kết quả của những lần "gặp gỡ" này đã cho ra đời 20 con bò tót lai F1 với vóc dáng và đặc tính hoang dã giống hệt bò rừng.
Từ năm 2012 đến 2015, sau khi phát hiện, Vườn quốc gia Phước Bình phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ Lâm Đồng đã mua lại 10 con bò tót lai từ người dân và thực hiện Đề tài nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng sinh sản của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà tại vùng giáp ranh Ninh Thuận và Lâm Đồng với đánh giá khả quan về triển vọng phát triển nguồn gen quý.
Những con bò tót rừng lai F1 trước đây được chăm sóc rất tốt, chúng đều béo tốt.
Thời điểm năm 2013, 2014, mỗi con bò tót lai được mua khoảng 50 triệu đồng, do ngân sách hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng chi trả.
Tới cuối năm 2015, Đề tài cấp nhà nước với tên gọi "Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa" với kinh phí gần 5 tỷ đồng được triển khai. Đề tài này do PGS TS Lê Xuân Thám, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng làm chủ nhiệm.
Đến tháng 6/2019 thì kết thúc đề tài. Kể từ đó đến nay những con bò tót lai một thời thu hút sự quan tâm, chú ý rất lớn của truyền thông, giới nghiên cứu vì là một hiện tượng đặc biệt hiếm gặp của tự nhiên, nay bị bỏ rơi, thiếu thức ăn nên cơ thể suy kiệt, gầy trơ xương.