Phó giáo sư Phạm Chiến Thắng (sinh năm 1987) thích môn Hóa học từ năm lớp 8. Khi ấy những hiện tượng biến đổi màu sắc trong hoá học giữa các hợp chất luôn cuốn hút anh. Mỗi ngày một chút, tình yêu với Hóa học cứ thế lớn dần trong cậu học sinh trường THCS Marie Curie (Hà Nội).
Nam sinh ấy quyết tâm theo đuổi ước mơ khám phá các thí nghiệm hoá học. Anh chọn học khối chuyên Hóa, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên) mong có được nhiều trải nghiệm hơn.
Phó giáo sư Phạm Chiến Thắng.
Tốt nghiệp bậc THPT, anh thi vào khoa Hóa học, hệ cử nhân tài năng của Đại học Khoa học Tự nhiên. Vào môi trường đại học, nam sinh vẫn say mê nghiên cứu các phản ứng hoá học. Anh được giáo viên, sinh viên cùng lớp đánh giá là người hiền lành, dễ chịu, hay cười và có phần rụt rè.
Anh may mắn gặp được thầy chủ nhiệm, khi ấy thầy làm việc tại bộ môn Vô cơ và là một trong những nhà hóa học hàng đầu Việt Nam. Thầy truyền thụ, khơi dậy mãnh mẽ hơn ngọn lửa đam mê Hoá học của anh.
"Tôi rất thích phong thái, cách truyền đạt của thầy. Nhờ thầy mà con đường nghiên cứu hoá học vô cơ của tôi dần được định hình và đạt nhiều thành quả sau này", phó giáo sư trẻ nói.
Năm 2009, tốt nghiệp đại học, anh Thắng được trường giữ lại làm việc và nghiên cứu tại khoa Hóa học. Sau đó 3 năm, khi hoàn thành bậc thạc sĩ loại giỏi, anh tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Đại học Freie (Đức). Các hướng nghiên cứu chủ yếu của anh tập trung vào "Phức chất đa nhân, đa kim loại trên cơ sở phối tử axylthioure" và "Phức chất kim loại chuyển tiếp có hoạt tính sinh học".
Năm 2016, trở về nước với tấm bằng tiến sĩ, anh Thắng tiếp tục công việc giảng dạy, nghiên cứu tại khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên. Đến nay, vị phó giáo sư trẻ sở hữu 42 bài báo khoa học được công bố trong và ngoài nước, trong đó 16 đề tài, bài báo khoa học anh là tác giả chính.
Phòng thí nghiệm nơi anh Thắng làm việc, giảng dạy mỗi ngày.
Đạt được nhiều thành công như vậy nhưng anh Thắng nói bản thân gặp nhiều may mắn trong công việc, đạt thành quả hôm nay hoàn toàn là nhờ vào sự ủng hộ, hỗ trợ từ các thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và cả các sinh viên.
Phó giáo sư trẻ mong thế hệ sau học gì hay làm gì thì đều phải có đam mê. Khi có đam mê, mọi thứ đều có thể.