Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đài Tiếng nói Việt Nam giải bài toán kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế báo chí 2023

(VTC News) -

Từ năm 2020 đến nay, nguồn thu từ hoạt động phát thanh tại Đài TNVN suy giảm, vì thế thay đổi và thích nghi với tình hình mới là nhu cầu bắt buộc của Đài TNVN...

Đó là thực trạng được đại diện Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) nêu trong tham luận tại Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 diễn ra sáng 24/2, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định). 

Trình bày tham luận thay Nhà báo Phạm Mạnh Hùng- Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, đại diện Đài TNVN chia sẻ, Đài TNVN là cơ quan báo chí chủ lực, đa loại hình, đa phương tiện, đa nền tảng, sở hữu đầy đủ từ phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo giấy và hệ sinh thái số phong phú, dày đặc.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với hoạt động kinh tế báo chí trong phát thanh là phải cạnh tranh với các kênh truyền thông khác như truyền hình và báo chí trực tuyến. Xác định chuyển đổi số đã trở thành xu hướng không thể tránh khỏi, ngay cả với phát thanh

Từ năm 2020 đến nay, nguồn thu từ hoạt động phát thanh tại Đài TNVN không tăng, thậm chí suy giảm. Nguồn thu từ các nền tảng số cũng hầu như chưa có, với việc hơn 90% nguồn thu của Đài TNVN đang đến từ các kênh truyền thống như phát thanh, truyền hình… thì rõ ràng, hoạt động kinh tế báo chí trong thời gian tới sẽ ngày càng trở nên khó khăn.

Vì thế, thay đổi và thích nghi với tình hình mới là nhu cầu bắt buộc của Đài TNVN”, đại diện Đài TNVN chia sẻ tại diễn đàn.

Đại diện Đài TNVN trình bày tham luận do Nhà báo Phạm Mạnh Hùng- Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam viết.

Đài TNVN có sự hiện diện rất đông đảo trên Internet: 2 tờ báo điện tử , 8 chuyên trang báo điện tử, hàng chục kênh YouTube, Fanpage … và rất nhiều ứng dụng trên di động như VOV News, VTC News, VOV Live… cho thấy VOV đã nắm bắt được xu thế phát triển và đang rất nỗ lực để công chúng tiếp cận các sản phẩm truyền thông của mình một cách nhanh nhất, dễ nhất. Tuy nhiên, sự phát triển này chưa được phối hợp nhịp nhàng, chưa có định hướng cụ thể và chưa được đầu tư đúng mức.

Đứng trước tình hình đó, bài toán gia tăng nguồn thu của Đài TNVN được chỉ ra cụ thể bằng những yếu tố như: Nâng cao giá trị nội tại ở những vấn đề như cải thiện chất lượng nội dung chương trình; Gia tăng khả năng tiếp cận khán thính giả, tăng sức hút và tầm ảnh hưởng của Đài TNVN (VOV) đối với công chúng trên đa nền tảng, đặc biệt tập trung vào môi trường Internet.

Đồng thời, phát triển mạnh hơn nữa các kênh nội dung số của Đài TNVN một cách có quy hoạch, có định hướng rõ ràng, biến các kênh số của VOV trở thành điểm đến quen thuộc với khán/thính giả trên Internet. Và biến nguồn lưu lượng truy cập thành tiền.

Bên cạnh các nguồn thu truyền thống như quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông trên các kênh, báo truyền thống, Đài TNVN cũng đẩy mạnh tìm kiếm nguồn thu mới: Hợp tác, khai thác nguồn thu từ các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông; Mua bán, trao đổi bản quyền nội dung của Đài TNVN; Nghiên cứu xu hướng mới, đó là thu phí từ các nội dung hay, độc quyền, thay vì miễn phí hoàn toàn.

Tại diễn đàn, một trong những đề xuất trăn trở của Đài TNVN chính là Truyền thông chính sách là vấn đề khơi thông các cơ chế đặt hàng của nhà nước, các bộ ngành, địa phương; xem xét chính sách về đơn giá đặt hàng, tính đúng, tính đủ các khoản chi phí cần thiết cho sản xuất  là những vấn đề quan trọng đến sự phát triển của Đài TNVN.

Cần bổ sung điều chỉnh, sửa đổi Luật báo chí, đồng thời, bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động sáng tạo, sản xuất nội dung trên môi trường số, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển nội dung số được thuận lợi.

Diễn đàn Kinh tế báo chí 2023 nằm trong chuỗi hoạt động của Dự án Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024, với sự đồng hành xuyên suốt của Vinamilk. 

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, trước xu hướng sụt giảm doanh thu của các cơ quan báo chí, chúng ta còn lúng túng trong việc suy nghĩ giải pháp để tháo gỡ khó khăn, điều này có một phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ cơ chế chính sách chưa đủ nhanh và chưa đủ kịp thời.

"Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 sẽ là cơ hội để anh, chị, em chúng ta chia sẻ cách làm hay, kinh nghiệm tốt, giúp chúng ta tiến về phía trước với tinh thần lạc quan", ông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, bên cạnh các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Định luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động báo chí phát triển.

Kinh tế báo chí là một vấn đề cấp thiết cần có lời giải đáp để báo chí Việt Nam phát triển; đặc biệt giải được bài toán kinh tế báo chí cũng giúp cho báo chí các địa phương có thể từng bước tự chủ tài chính, để có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng Việt Nam; là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

"Gỡ khó cho bài toán kinh tế báo chí của địa phương, tỉnh Bình Định đang ưu tiên dành nhiều nguồn lực, tăng ngân sách chi cho hoạt động truyền thông, mà đặc biệt là hoạt động truyền thông chính sách, tập trung truyền thông các nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương theo cơ chế hợp tác truyền thông... để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí", ông Phạm Anh Tuấn phát biểu.

Nguyễn Gia

Tin mới