Thời gian gần đây, những vụ cháy quán karaoke “khủng khiếp” liên tiếp xảy ra, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, gây thiệt hại nặng nề về tài sản, tạo những bức xúc trong nhân dân.
Liên quan vấn đề này, Đại tá Đỗ Anh Quyến - Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Công an TP Hà Nội) - cho biết, nguy cơ cháy nổ đối với loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke rất cao, bởi cả hai yếu tố chính là chất cháy và nguồn nhiệt.
Nguyên nhân xảy ra nhiều vụ cháy lớn liên quan đến quán karaoke
Theo Đại tá Quyến, chất cháy tại các quán karaoke hiện nay đều có tải trọng rất lớn, bao gồm gỗ, xốp, lớp phủ trang trí vật liệu bằng nhựa. Đây đều là những chất dễ bắt lửa; đồng thời tỏa ra lượng khí lớn và rất độc hại cho sức khỏe con người.
“Yếu tố tác động nguy hiểm nhất trong một vụ hỏa hoạn đầu tiên là khói. Bên trong đó có những loại khí cực độc mà chỉ cần 10-30mlg/m3 đã rất đáng sợ, có khả năng gây mất cảm giác, ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh con người. Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh karaoke để phục vụ kinh doanh đều làm hệ thống cách âm rất kín, bịt mọi lỗ thông ra bên ngoài bằng các vật liệu dễ cháy. Hầu hết các vụ hỏa hoạn, phần lớn nạn nhân tử vong do ngạt khi hít phải khói.
Bên cạnh đó, ngay cả trong trường hợp 'lạc quan nhất' khi khói không có nhiều chất độc hại thì riêng việc hít phải khí nóng cũng đã ảnh hưởng và có nguy cơ bỏng, cháy hết hệ hô hấp”, Đại tá Quyến chia sẻ.
Đại tá Đỗ Anh Quyến chỉ nguyên nhân thứ 2 xảy ra cháy lớn liên quan đến quán karaoke là nguồn nhiệt: “Khi trình để xin cấp phép, hệ thống điện bao gồm loại dây, công suất tiêu thụ đều rất chuẩn, nhưng trong quá trình sử dụng, chủ các cơ sở lại tự ý cải tạo, nâng cấp và lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện khác dẫn tới tình trạng quá tải, vượt xa lúc thẩm định.
Họ tìm mọi cách đều giấu kín việc này khiến cơ quan chức năng rất khó khăn để phát hiện và xử lý. Chưa kể có những cơ sở kinh doanh rất lâu nhưng vẫn sử dụng hệ thống điện cũ. Điều này rất nguy hiểm và gây ra nguy cơ cao”.
Bên cạnh điện, một nguyên nhân phổ biến khác là do vảy hàn trong quá trình sửa chữa. Vảy hàn thường có nhiệt độ rất cao, ngay cả khi đã không còn độ sáng nhưng vẫn dao động quanh mức từ 700-800 độ C.
“Vảy hàn bắn vào người còn cháy cả thịt nên khi tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy như đã nói ở trên, hậu quả là khôn lường”, Đại tá Quyến nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng: “Yếu tố nguy cơ thứ ba chính là yếu tố con người. Khách vào hát karaoke hầu hết đều không có ý thức xem địa điểm mình sử dụng dịch vụ có lối thoát hiểm không, lối thoát hiểm được bố trí ở vị trí nào, khi xảy ra sự cố sẽ phải di chuyển ra sao, khi được thông báo có cháy, nhiều khách vẫn tiếp tục đóng phòng lại hát, có người trong trạng thái không được tỉnh táo…”.
Đại tá Đỗ Anh Quyến – Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Công an TP Hà Nội).
Ý thức của chủ cơ sở kinh doanh karaoke quyết định đến an toàn cháy nổ
Đại tá Đỗ Anh Quyến – Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Công an TP. Hà Nội) cho biết: “Quy định một năm lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH chỉ được kiểm tra một lần (trừ trường hợp đặc biệt) là những khó khăn không nhỏ trong quản lý.
Trong khi các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke thường xuyên tự ý cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện khác dẫn tới tình trạng quá tải, vượt xa lúc thẩm định. Họ tìm mọi cách đều giấu kín việc này khiến cơ quan chức năng rất khó khăn để phát hiện và xử lý.
Chưa kể có những cơ sở kinh doanh rất lâu nhưng vẫn sử dụng hệ thống điện cũ. Điều này rất nguy hiểm và gây ra nguy cơ cao. Thiết kế các phòng hát như ken vào nhau, tận dụng tối đa diện tích đất để xây dựng, bố trí phòng không hợp lý…”.
Theo Đại tá Đỗ Anh Quyến, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke thường tham rẻ, sử dụng các thiết bị trôi nổi trong xây dựng, nhất là hệ thống điện… dẫn tới nhanh xuống cấp, chất lượng kém nên hay xảy ra tình trạng chập cháy điện.
Khó khăn nữa được Đại tá Đỗ Anh Quyến chỉ ra là các đơn vị chữa Cảnh sát PCCC&CNCH thiếu thốn cơ sở vật chất phục vụ công tác tập luyện chuyên môn.
Để đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC&CNCH, Đại tá Đỗ Anh Quyến cho rằng, ngoài việc nâng cao hơn nữa trách nhiệm từ cơ quan quản lý thì yếu tố quyết định vẫn là ý thức của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cơ sở karaoke.
“Ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC&CNCH, chủ cơ sở kinh doanh phải thường xuyên, liên tục kiểm tra hàng ngày các thiết bị, vật tư trong cơ sở… hướng dẫn, khuyến cáo khách hàng cần chú ý đến các khu vực thoát hiện và các quy định đảm bảo an toàn có liên quan…”, Đại tá Đỗ Anh Quyến nhấn mạnh.
Hiện trường vụ cháy quán karaoke tối 6/9 tại Bình Dương. (Ảnh: TTXVN).
Siết chặt quy định an toàn Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ
Đại tá Đỗ Anh Quyến khẳng định, để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra, cần phải siết chặt các quy định hiện hành về PCCC đối với loại hình này; Đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo đối với chủ cơ sở kinh doanh và người dân khi tham gia vui chơi tại các quán karaoke.
Trong đó, chủ cơ sở kinh doanh karaoke cần tuyệt đối tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy; thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân viên kiến thức pháp luật, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và thoát nạn khi có cháy, nổ; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nhân viên, khách hàng chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Cần tự tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, trong đó tập trung một số nội dung gồm: Việc duy trì yêu cầu về ngăn cháy lan, lối ra thoát nạn, lối ra khẩn cấp; hệ thống, thiết bị phòng cháy, hệ thống điện; quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án Cứu nạn cứu hộ của cơ sở; công tác trực của lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố ngay từ khi mới phát sinh. Trong quá trình thi công, cải tạo, sửa chữa, các chủ cơ sở phải thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn chung.
Đối với người dân, cơ quan chức năng đưa ra khuyến cáo cần tự tìm hiểu, học tập để trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy và kỹ năng xử lý, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra…
Khi tham gia đến các nơi vui chơi, giải trí, người dân cần chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; không mang chất cháy, chất nổ đến những nơi này…
Khi phát hiện xảy cháy hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho mọi người biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính, qua cầu thang thoát hiểm, tuyệt đối không được sử dụng thang máy.
Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.
Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: Qua ban công, cửa sổ, sân thượng sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây…; tuyệt đối không núp trong phòng, trong nhà vệ sinh… Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng áo, quần thấm ướt, trùm lên đầu và người cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.
Đại tá Đỗ Anh Quyến cho rằng, các quy định đảm bảo an toàn PCCC&CNCH trong xây dựng cơ sở kinh doanh karaoke cần phải rõ ràng, chi tiết để tránh các đối tượng lợi dụng kẽ hở, lách luật…
Cần phải nhận thức rõ, phòng chống cháy nổ là nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn xã hội. Toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy. Trong đó, mỗi người là một chiến sĩ, mỗi chiến sĩ cần phải nâng cao kiến thức và trách nhiệm trong phòng cháy chữa cháy…
“Cần nâng cao bề rộng cầu thang bộ thoát hiểm, có khe đệm giữa các phòng hát, cần thiết quán hát phải có đường đi lối lại xung quanh. Hạ thấp chiều cao của cơ sở kinh doanh karaoke”, Đại tá Quyến kiến nghị.