Tuyên bố này được ông Thôi đưa ta trong cuộc phỏng vấn với CNN mới đây.
"Tôi nghĩ khi mọi người đưa ra cáo buộc, họ phải chứng minh", vị đại sứ Trung Quốc nói khi được hỏi liệu có khả năng virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán trước khi trở thành đại dịch toàn cầu hay không.
Ông Thôi nói thêm rằng các nhà khoa học của WHO đang tới Vũ Hán làm việc để tìm kiếm sự thật.
Phóng viên của CNN thắc mắc liệu điều này có đồng nghĩa nhóm chuyên gia của WHO được cấp "toàn quyền tiếp cận" trong quá trình điều tra tại Trung Quốc hay không.
Đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải. (Ảnh: Bloomberg)
"Họ đã ở Vũ Hàn được vài ngày. Câu hỏi của tôi là liệu họ có được phép tới đây (Mỹ) để làm điều tương tự hay không?", ông Thôi đáp lại.
Một số giả thiết trước đó cho rằng virus gây dịch COVID-19 xuất phát từ Viện Virus học tại Vũ Hán (WIV). Phòng thí nghiệm này cách không xa khu chợ hải sản Hoa Nam - nơi ghi nhận những ca mắc COVID-19 đầu tiên.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 15/1 cho biết họ có lý do để tin rằng các nhà khoa học ở Vũ Hán có thể đã nhiễm COVID-19 vào mùa thu năm 2019.
Bộ này khẳng định Trung Quốc đã ngăn giới chức y tế toàn cầu, các nhà điều tra, nhà báo độc lập phỏng vấn những nhà nghiên cứu tại WIV, gồm những người bị bệnh vào mùa thu 2019.
Đáp trả các cáo buộc từ Washington, Bắc Kinh tố ngược một số người Mỹ đang "thổi phồng vấn đề nguồn gốc đại dịch" và khẳng định việc truy tìm nguồn gốc là vấn đề của khoa học.
Nhóm chuyên gia của WHO có mặt tại Vũ Hán hôm 14/1, hơn một năm sau khi ca COVID-19 đầu tiên được ghi nhận để điều tra dịch.
Nhóm chuyên gia này cho biết họ đã tìm thấy những bằng chứng quan trọng về vai trò của chợ hải sản Hoa Nam trong đại dịch.
Ông Peter Daszak - chuyên gia về động vật tại New York (Mỹ) nằm trong nhóm điều tra của WHO – cho biết những phát hiện quan trọng sẽ được công bố trước khi nhóm điều tra rời Vũ Hán dự kiến vào ngày 10/2.
Tuy nhiên, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu nói rằng có thể sẽ phải mất nhiều năm để biết tường tận nguồn gốc dịch bệnh.