Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu: Cơ hội nào cho kinh tế Việt Nam?

(VTC News) -

Giới phân tích cho rằng, bên cạnh những tác động tiêu cực thì cần ghi nhận những cơ hội mà đại dịch COVID-19 mang đến cho nền kinh tế Việt Nam.

Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu''.

Đáng chú ý, bên cạnh những ảnh hưởng khủng khiếp, báo cáo cũng chỉ ra nhiều tác động tích cực mà đại dịch COVID-19 mang lại cho nền kinh tế Việt Nam.

Nhiều cơ hội tỏa sáng

Đánh giá tổng quan về kinh tế thế giới năm 2020, PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - nhận định, bối cảnh biến động toàn cầu vài năm gần đây và đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm và khó dự đoán.

Tuy vậy, với nền hinh tế Việt Nam, vẫn có thể nhìn ra được những cơ hội mới. Đầu tiên là cơ hội gia tăng dấu ấn của Việt Nam trong dòng thương mại, đầu tư và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

PGS.TS Nguyễn Anh Thu phân tích, đại dịch COVID-19 gây đứt gãy các chuỗi giá trị dẫn tới cấu trúc lại chuỗi giá trị, phân tán hoạt động đầu tư ra khỏi Trung Quốc hoặc thực hiện chiến lược “Trung Quốc +1” và Việt Nam có cơ hội tỏa sáng thành cứ điểm sản xuất mới.

Bên cạnh những tác động tiêu cực, đại dịch COVID-19 cũng mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược và điều chỉnh chính sách của các nước lớn giúp Việt Nam có thể tranh thủ các khuôn khổ hợp tác, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Cơ hội này giúp Việt Nam lấp vào khoảng trống thị trường mà Trung Quốc để lại khi nước này tiến lên phân khúc hàng hóa, dịch vụ cao cấp cũng như tăng xuất khẩu sang Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Việc thực hiện các FTA đã ký kết, đặc biệt là EVFTA, CPTPP, UKVFTA và RCEP giúp Việt Nam gia tăng số lượng và chất lượng thương mại, đầu tư, đa dạng hóa đối tác và tham gia vào các chuỗi giá trị do phương Tây và Trung Quốc dẫn dắt.

Ngoài ra, đại dịch COVID 19 đã góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Số hoá nền kinh tế giúp thay đổi tư duy trong hoạch định chính sách và vận hành doanh nghiệp nhằm nâng cao lợi thế so sánh của ngành và doanh nghiệp; thúc đẩy áp dụng, phổ biến công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này tạo ra các cơ hội và mô hình kinh doanh mới; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) vào các chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển các ngành dịch vụ và thương mại dịch vụ xuyên biên giới; đồng thời thu hút FDI tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.

Những thách thức từ biến đổi khí hậu và các cam kết trong các FTA thế hệ mới cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam. Đối với một số ngành, yêu cầu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu có thể tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và cơ hội tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu với tiêu chuẩn cao hơn, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm mà Việt Nam có nhiều tiềm năng.

Trong khi đó, áp lực từ chính sách môi trường toàn cầu và của những bạn hàng lớn của Việt Nam (Mỹ, EU) tạo động lực cho Chính phủ hoàn thiện các quy định, chính sách; doanh nghiệp thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh. Từ đó giúp nâng cấp các tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh của toàn bộ nền kinh tế để phù hợp hơn với thực tiễn thương mại quốc tế và tăng sự hiện diện trên thị trường toàn cầu.

Tuy vậy, bên cạnh những cơ hội, kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như: làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

Biến đổi khí hậu gây ra những hiện tượng thời tiết bất thường, gây gián đoạn trong hoạt động sản xuất và thương mại quốc tế.

Quá trình số hóa và xanh hóa nền kinh tế tạo ra các thách thức trong quá trình điều chỉnh chiến lược và mô hình phát triển từ cả khía cạnh quản trị, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Các ngành công nghiệp thâm dụng lao động chiếm tỷ trọng tương đối lớn cũng là một thách thức trong thúc đẩy chuyển đổi công nghệ số tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các FTA làm gia tăng nhập khẩu và sự hiện diện của các doanh nghiệp nước ngoài tạo ra sức ép cạnh tranh gay gắt đối với doanh nghiệp Việt Nam. Việc tiếp cận thị trường các nền kinh tế lớn cũng trở nên khó khăn hơn vì gặp nhiều rào cản do các nước tăng cường bảo vệ thị trường trong nước, các tiêu chuẩn đối với hàng hóa, dịch vụ ngày càng cao, yêu cầu sản phẩm xanh, sạch và đảm bảo an toàn.

Việt Nam cần làm gì để nắm bắt cơ hội?

Đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách quan trọng cho chiến lược định vị lại nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu, PGS. TS Nguyễn Anh Thu nhận định: "Trong ngắn hạn, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế COVID-19, tổ chức tiêm vaccine nhanh và hiệu quả".

Do nguồn lực tài khóa hạn hẹp, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Việt Nam trong thời kỳ đại dịch cần phải đúng trọng tâm, tiết kiệm và đúng địa chỉ. Sớm thiết kế gói chính sách kích thích và phục hồi sản xuất/kinh doanh chung cho các loại hình doanh nghiệp và hộ kinh doanh, các chính sách hỗ trợ/bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ/siêu nhỏ. 

Bên cạnh đó, đầu tư công chỉ nên tập trung và đẩy nhanh vào các dự án trọng điểm quốc gia đã có kế hoạch. Tiết kiệm chi thường xuyên cũng là một định hướng quan trọng khi COVID-19 vẫn là một ẩn số, tương lai của nền kinh tế vẫn còn bất định.

Các chuyên gia cho rằng đầu tư công chỉ nên tập trung và đẩy nhanh vào các dự án trọng điểm quốc gia. (Ảnh minh họa)

PGS. TS Nguyễn Anh Thu khẳng định: "Chính sách tiền tệ cần lưu ý đặc biệt đối với việc kiểm soát tăng trưởng cung tiền và định hướng dòng tín dụng vào khu vực sản xuất. Trong bối cảnh các thị trường chứng khoán và bất động sản nóng như hiện nay, việc kiểm soát dòng tín dụng vào các thị trường này cũng cần được biệt lưu ý bên cạnh vấn đề nợ xấu".

Trong trung và dài hạn, song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều sâu, hoàn thiện mô hình tăng trưởng đồng bộ thúc đẩy phát triển trên nền tảng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế.

Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch. Song song với đó, Việt Nam cần tận dụng được thương mại và đầu tư để nâng cao vị thế trên trường quốc tế trong tương lai.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là một yêu cầu thường trực. Đặc biệt, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh địa phương của doanh nghiệp thông qua các trụ cột của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

PGS. TS Nguyễn Anh Thu nói: "Mặc dù đầu tư công cần có lựa chọn, song Chính phủ cần nhanh chóng cải thiện hệ thống vận tải nhằm thúc đẩy lưu thông hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế; tận dụng các FTA nhằm cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hải quan, thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi hóa cho hoạt động giao thương.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cao hiểu biết và đảm bảo khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm, xuất xứ... khẳng định vị thế của mình trên sân chơi thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao trình độ và chất lượng nguồn nhân lực nhằm hưởng lợi và tận dụng được tối ưu chuyển giao công nghệ và khoa học kỹ thuật từ những doanh nghiệp nước ngoài".

Ngọc Vy

Tin mới