Chiều 25/3, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV, các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các báo cáo khác.
Phát biểu tại tổ Hà Nội, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, khi xây dựng một đạo luật phải đặt ra yêu cầu rất cao về năng lực dự liệu, dự báo. Trên thực tế, không có đạo luật nào dự liệu được hết tất cả, tuy nhiên các đạo luật hiện tại của ta gần như chỉ giải quyết công việc nhiệm kỳ.
"Chúng ta tìm được đạo luật nào tồn tại được 10-15 năm thì hầu hết đó là các đạo luật ít tác động đến đời sống, như là luật thanh niên, đơn giản vì nó không vào được đời sống. Còn những luật vào đời sống thì vài ba năm là phải thay, rõ ràng chúng ta bỏ yếu tố về tính dự báo", ông Hiểu nhận định.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu kiến nghị vấn đề xây dựng chính sách pháp luật là nhiệm vụ chính, chủ yếu của Quốc hội. Cần coi việc này chính là nguồn lực để phát triển, nếu không sẽ cản trở sự phát triển.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu.
Đánh giá cao các báo cáo của Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và các báo cáo khác, đại biểu Ngọ Duy Hiểu khẳng định, Chủ tịch nước đã thể hiện xuất sắc vai trò của nguyên thủ quốc gia, là biểu tượng, trung tâm của đoàn kết dân tộc, biểu tượng của niềm tin cho Nhân dân.
"Tất cả đều thấy hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước xuất hiện ở đâu thì người dân, cán bộ, đảng viên đều rất vui mừng. Những yếu tố đó tạo nên tình cảm, sự đồng thuận, sự đoàn kết chung trong Đảng, trong xã hội, trong bối cảnh khó khăn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để nước ta đạt được nhiều kết quả trong nhiệm kỳ vừa qua", ông Hiểu nói.
Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, trong nhiệm kỳ, ấn tượng của Chủ tịch nước là đã giải quyết được nhiều mối quan hệ đối ngoại, nhất là với các nước lớn, các tổ chức quốc tế, giúp tình hình đất nước ổn định.
Trong đó có những vấn đề nhạy cảm, phức tạp đều được giải quyết linh hoạt, hài hoà, hiệu quả, lấy lợi ích dân tộc lên trên hết. Tinh thần đối ngoại của Việt Nam là đa phương hoá, nước ta làm bạn với tất cả các nước cùng thiện chí, tôn trọng độc lập, chủ quyền.
Về báo cáo của Quốc hội, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, Quốc hội đã tiếp tục khẳng định được vai trò, vị trí, có nhiều đổi mới. Đây là nhiệm kỳ Quốc hội đã tiếp cận công nghệ, giàu tính tranh luận; những vấn đề quan trọng của đời sống, sự bức xúc của cử tri đã trở thành sức nóng trong nghị trường. Những vấn đề cử tri quan tâm đã trở thành trăn trở của đại biểu Quốc hội.
"Nhiều vấn đề cử tri phản ánh, kiến nghị đã được các đại biểu Quốc hội trao đổi, thảo luận. Lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền đã cùng trao đổi, cùng nhau giải quyết; bàn các vấn đề dân sinh, quốc tế. Trong niềm tin người dân tìm đến đã có một chủ thể quan trọng, đó là Quốc hội", ông Ngọ Duy Hiểu nói và khẳng định đây là sự đổi mới của Quốc hội.
Theo ông Hiểu, Quốc hội đã quan tâm tới việc nâng cao chất lượng giám sát, cụ thể là chất vấn. Công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ vừa qua đã được thực hiện nhiều, nhiều văn bản chất lượng, kịp thời giải quyết các vấn đề của cuộc sống, tạo hành lang pháp lý để triển khai các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
"Quốc hội đã khẳng định, thể hiện được vị trí, vai trò của cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất", ông Hiểu nói.
Nhận xét về nhiệm kỳ Chính phủ, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng công tác điều hành của Chính phủ đã có sự đổi mới, quyết liệt, tạo sự chuyển động cơ bản của cả hệ thống. Chính phủ đã có sự sâu sát, quan tâm, lắng nghe doanh nghiệp, người dân và các quyết sách đã quan tâm tới thực tiễn. Chính phủ cũng xử lý được nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn đời sống.