Vân Đồn bàng hoàng tỉnh giấc trở thành đặc khu
Cuối tháng 10/2017 vừa qua, thật khó tin khi UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND huyện Vân Đồn chính thức thông tin rằng đã tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với đề án xây dựng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Việc lấy ý kiến này đã được 98,78% tương đương 29.995 người đồng ý ủng hộ và bộ phận rất nhỏ, chỉ có 1,22% tương đương 369 người không đồng ý. Việc UBND tỉnh phải lấy ý kến cử tri một cách công khai, minh bạch và dân chủ đã cho thấy rằng không phải địa phương nào cũng hăm hở muốn sở hữu một đặc khu kinh tế. Tình huống xấu nhất xảy ra nếu đa số cử tri không đồng ý, nghĩa là Tỉnh Quảng Ninh phải rời bỏ sân chơi ngàn vàng mua không được.
Sự kiện trên được hiểu rằng đến thời điểm này Vân Đồn mới chắc chắn hoàn tất những bước chuẩn bị cần thiết trước thời khắc chính thức trở thành Đặc khu kinh tế, sở hữu những ưu đãi đáng mơ ước đến độ cả TP.HCM đang phát cuồng mong muốn có được một chút “cơ chế riêng” để bức phá và tăng tốc.
Sân bay quốc tế Vân Đồn gấp rút hoàn thành vào năm 2018 (Ảnh: Phối cảnh sân bay)
Việc chuẩn bị cho thời điểm chuyển mình thành đặc khu của Vân Đồn được xem như đánh dấu bằng cột mốc 5 năm về trước, khi có vài tập đoàn lớn trên thế giới muốn đầu tư vào Vân Đồn nhưng cũng chưa rõ nơi đây sẽ được định hướng như thế nào. Bối rối và chưa rõ định hướng phát triển cùng với việc chưa phát triển đồng bộ hạ tầng đã làm Vân Đồn mất đi sức hấp dẫn đầu tư, bất chấp lợi thế đẹp không thua Vịnh Hạ Long và hoang sơ hơn cả Phú Quốc.
“Chính từ đó chúng tôi đã chủ động dừng lại để có bước đi, chuẩn bị vững chắc hơn, để đến thời điểm có thể trả lời đầy đủ những câu hỏi đó (câu hỏi của các nhà đầu tư). Vậy là chúng tôi đi sau, đi muộn nhưng tới đây sẽ có sự tăng tốc. Đi sau không có nghĩa chúng ta không thể đi cùng cả thế giới vì xu hướng hội nhập đã là tất yếu” – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ninh – ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ với báo Dân Trí.
Những ngày qua, thông tin các dự án khủng chuẩn bị đổ vào Vân Đồn đã làm sôi động tỉnh Quảng Ninh. Có thể kể đến các dự án: Con đường di sản Vân Đồn có diện tích quy hoạch dự kiến 3.300 ha, Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Dragon Bay 94 ha tại xã Hạ Long, Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino trên diện tích 2.500 ha với tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD trên đảo Cái Bầu và đảo Trà Ngọ, Dự án du lịch lớn như Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas với tổng vốn đầu tư trên 1.120 tỷ đồng, Dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng với tổng vốn đầu tư khoảng 46.000 tỷ đồng, Dự án đầu tư khu vực cảng và đô thị phía Bắc đảo cái Bầu với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.500 tỷ đồng…
Chưa lên đặc khu, Bắc Vân Phong đã lo thiếu đất
Trong số 3 địa danh vừa được lựa chọn phát triển trở thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt thì Vân Phong là nơi đã nuôi dưỡng giấc mơ già cỗi nhất. Từ năm 2006 với mục tiêu sẽ trở thành cực hạt nhân tăng trưởng kinh tế của khu vực Nam Trung Bộ, Bắc Vân Phong đã chuẩn bị trở thành vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ và là một đầu mối giao lưu quốc tế, trung tâm du lịch quan trọng của Việt Nam.
Minh chứng cho một tương lai tươi sáng cất cánh cùng đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, cả tỉnh Khánh Hòa đã chạm mốc những thành tích thần tốc. Trong giai đoạn 2012-2015, trung bình mỗi năm ngành du lịch Khánh Hòa đạt doanh thu trên 4.855 tỷ đồng. Trong năm 2016, doanh thu du lịch của Khánh Hòa đạt hơn 8.300 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2015, đạt 107% so với kế hoạch.
Tính đến hết Quý III/2017, toàn ngành du lịch Khánh Hòa đón hơn 4,3 triệu lượt khách lưu trú, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 78,57% kế hoạch năm. Tổng doanh thu du lịch hơn 13.098 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ, đạt 79,38% kế hoạch năm. Rõ ràng, chẳng có gì làm ăn có lãi và tăng trưởng nhanh hơn du lịch ở vùng đất được xem như “Thủ đô nghỉ dưỡng” của cả nước.
Trong suốt 20 năm chờ đợi đặc khu, thành phố Nha Trang đã “vét” sạch quỹ đất đường biển Trần Phú, biến nơi đây thành cung đường đẹp và sầm uất nhất Việt Nam. Liên tục xin đất phát triển du lịch, vào tháng 8/2015, tỉnh Khánh Hòa đã được chuyển giao gần 795 ha đất quốc phòng do Quân chủng hải quân quản lý tại khu vực Bãi Dài (Thành phố Cam Ranh). Đến nay, cả Bãi Dài Cam Ranh đã có hơn 40 dự án nghỉ dưỡng đẳng cấp và hoành tráng. Đa số dự án có quy mô diện tích lên tới vài chục hecta và vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Hết đất, Khánh Hòa lại tiếp tục “khát”. May mà cánh cửa đặc khu đang mở ra rất gần.
Sơ đồ quy hoạch sử dụng đất khu vực Bắc Vân Phong
Ngày xưa cũ, Khánh Hòa đã trình trung ương xem xét diện tích Đặc khu Bắc Vân Phong chỉ khoảng 66.000 ha, gồm 19.000 ha đất và 47.000 ha mặt nước biển. Nếu so với diện tích của đặc khu Phú Quốc và Vân Đồn ngang với diện tích Singapore khi chưa mở rộng thì Bắc Vân Phong quá bé nhỏ và chảng bỏ công “cõng” giấc mơ 20 năm.
Ngày 14/8/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về chủ trương lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong theo định hướng phát triển thành đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong có tổng diện tích khoảng 150.000ha, bao gồm 70.000 mặt đất, còn lại là diện tích mặt nước, thuộc thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh, phía Bắc tỉnh Khánh Hòa.
Rất nhanh, chỉ 2 ngày sau, 17/8/2017, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - chủ trì cuộc họp nghe Công ty Tư vấn BCG (Mỹ) báo cáo nội dung ý tưởng sơ lược quy hoạch tổng thể Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong. Kết luận của cuộc họp đã cho thấy tầm nhìn và kỳ vọng của tỉnh Khánh Hòa khi yêu cầu đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch phải dựa trên tiềm năng, lợi thế, điều kiện tự nhiên của vùng Bắc Vân Phong và quy hoạch phải đảm bảo không cạnh tranh với hai đặc khu Phú Quốc và Vân Đồn nhưng phải cạnh tranh với khu vực và quốc tế.
Đến cuối tháng 9/2017 vừa qua, khi đoàn công tác khảo sát thực tế khu vực dự kiến thành lập Đặc khu Bắc Vân Phong làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa đã đón nhận đề xuất mới, chính thức nới rộng diện tích lên đến 111.000 ha, tăng gần gấp đôi so với trước đây.
Khánh Hòa báo cáo ngay và luôn với Đoàn công tác của Quốc hội định hướng phát triển đặc khu với 4 nhóm ngành nghề đặc thù: cảng biển và dịch vụ logistics; thương mại - dịch vụ tài chính quốc tế; trung tâm dịch vụ - du lịch vui chơi giải trí cao cấp, casino tầm khu vực và quốc tế; phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ cao, y tế, giáo dục, dịch vụ sở hữu trí tuệ… Vốn đầu tư cấp thiết phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho đặc khu khoảng 10.980 tỉ đồng. Và chốt hạ đang thuê Tập đoàn tư vấn Boston (BCG, Hoa Kỳ) tư vấn lập quy hoạch tổng thể!
Đối với các địa phương khác, việc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và triển khai dự án có thể chậm vì không có nhà đầu tư nhưng với Khánh Hòa, nhà đầu tư đang thiếu đất và xếp hàng chờ. Nói vui như các nhà đầu tư, dự án xếp hàng chờ đất ở Khánh Hòa dài đến hết 14km cung đường biển Trần Phú đẹp và sầm uất nhất Việt Nam.
Trước mắt, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút 154 dự án (trong đó, có 26 dự án FDI) với tổng vốn 3,48 tỷ USD, tổng vốn đăng ký đạt 1,47 tỷ USD, vốn thực hiện gần 630 triệu USD, đạt 42% vốn đăng ký. Ngoài ra, Khánh Hòa đang thực hiện thủ tục đầu tư cho các dự án có quy mô lớn, với tổng vốn đăng ký khoảng 6,8 tỷ USD như: Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 (2 tỷ USD) của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản); Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (4,8 tỷ USD), liên doanh giữa Petrolimex và Nippon Oil Energy (Nhật Bản).
Khánh Hòa cùng với đặc khu Bắc Vân Phong đã đi được một nữa đoạn đường khó khăn nhất: Lấp đầy nhà đầu tư.
Theo tờ trình của Bộ KH&ĐT đề nghị xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Ước tính, tại Đặc khu Bắc Vân Phong Nhà nước sẽ thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí, 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2030, nâng mức đóng góp GRDP của Bắc Vân Phong vào GRDP của tỉnh Khánh Hòa lên 3% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD vào năm 2030.